Truyền dạy hát kể sử thi của người Ê đê ở Ea Tul

(VOV5) - "Nay các trích đoạn bài sử thi như Đăm San, Đăm Di , Khing Zú,  Y Gung Dăng, Dăm Bhu Dăm Bha….đã được nhiều bạn trẻ biết đến và có thể trình diễn."

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

Những âm thanh này đã trở nên quen thuộc với bà con người dân buôn Triă, buôn Sah, buôn  Knia hay buôn Phơng, buôn Pơr… Đã thành thông lệ, trước mỗi buổi học hát kể sử thi là các học viên lại cùng nhau cất lên những làn điệu dân ca Ê đê.
Truyền dạy hát kể sử thi của người Ê đê ở Ea Tul  - ảnh 1Phóng viên VOV trò chuyện cùng các học viên lớp truyền dạy sử thi của xã Ea Tul.

Xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk là một địa chỉ nơi sử thi Tây Nguyên đang được nuôi dưỡng và thực hành sống động. Ở đây nhiều năm nay những người yêu mến văn hóa truyền thống nói chung và sử thi nói riêng có cơ hội tham gia các lớp học hát kể sử thi. Mỗi lớp học được tổ chức trong vòng 3 tháng. Các học viên sẽ được các nghệ nhân truyền dạy các bài sử thi như Đăm San, Đăm Yi (Di), Khing Jus (Khinh zú), Y Gung Dăng, Dăm Bhu Dăm Bha….Đây là các trích đoạn, các bài hát kể ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đề cao chính nghĩa, nâng cao sức mạnh hình thể cũng như sức mạnh tinh thần, tâm hồn của người Ê đê.

Tham gia lớp học, các học viên cũng được truyền dạy cách tổ chức diễn xướng, kỹ thuật, kỹ năng thực hiện lối hát kể Khan, cách luyến láy làn điệu, phương thức thực hành diễn xướng cũng như cách ứng tác và ngẫu hứng sáng tạo trong nghệ thuật diễn xướng sử thi. Anh Y Dhin Niê ở buôn Tră chia sẻ: "Mình đam mê sử thi từ xưa nhỏ nghe các ông bà kể, mình thấy hay. Rồi đến khi trưởng thành có nhà nước mở lớp truyền dạy, mình muốn học thêm để sau này con cháu mình được nghe sử thi, kể khan của người Ê đê, sử thi này không bao giờ bị mất đi."

Truyền dạy hát kể sử thi của người Ê đê ở Ea Tul  - ảnh 2Cuộc trò chuyện giữa các nghệ nhân với nhóm phóng viên VOV.

Giữa miên man núi rừng hòa cùng miên man lời kể lúc bổng lúc trầm của nghệ nhân Y’ Đhin Niê khiến những người “ngoại đạo” cũng như bị hút vào không gian của câu chuyện sử thi. Chẳng thế mà chị H’Djuôn Niê ở buôn Phơng, xã Ea Tul dù quên hết mặt chữ, việc học kể sử thi không dễ dàng gì khi học hoàn toàn bằng trí nhớ và học thuộc lòng nhưng vẫn chăm chỉ đền bỉ theo học: "Từ bé đã được nghe người già trong buôn kể Khan trong những dịp quan trọng, thấy rất thích. Mỗi khi nghe thấy quên đi những điều không vui, hứng khởi, yêu đời hơn. Nghe tin có lớp truyền dạy là đăng ký học ngay. Học cũng khó lắm, nhưng cố gắng học thuộc sử thi Đăm San. Đi đâu cũng lẩm nhẩm để học."

Xã Ea Tul huyện Cư M’gar tỉnh Đăk Lăk có 13 thôn, buôn với hơn 2.100 nóc nhà, gần 11.000 nhân khẩu. Địa bàn xã có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Ê-đê chiếm khoảng 97%, còn lại là người Kinh. Đảng ủy và chính quyền xã đều xác định rất rõ, để xây dựng địa phương vững mạnh thì yếu tố cốt lõi là giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.

Ông Y Tiếp Niê Kên, phó bí thư xã Ea Tul chia sẻ: "Đối với địa bàn xã Ea Tul thì 97 % là dân tộc thiểu số là dân tộc Ê đê. Là người con của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên thì chúng tôi tự hào về những nét văn hóa,  từ trang phục cho đến các sử thi, cái bản sắc một số anh em dân tộc khác không có nên là tự hào đối với người dân tộc Ê đê."

Truyền dạy hát kể sử thi của người Ê đê ở Ea Tul  - ảnh 3Với sự nỗ lực, ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê được dựng tại khuôn viên trụ sở hành chính xã Ea Tul, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Từ sự nỗ lực của đảng ủy, chính quyền xã, ngay tại trụ sở hành chính của xã một ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê được xây dựng làm nơi thực hành diễn xướng các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Xã cũng đã phục dựng hai bến nước, nơi được coi là nguồn cội của bản làng Ê đê. Và như quý vị đã thấy, nhiều năm nay những người yêu mến văn hóa truyền thống ở xã Ea Tul cũng có cơ hội tham gia các lớp học về kể khan, hát kể sử thi, và cả về dân ca, về dệt thổ cẩm nữa.

Nếu như trước đây sử thi chỉ được kể bởi các nghệ nhân, người già lớn tuổi trong buôn thì nay các trích đoạn bài sử thi như Đăm San, Đăm Di , Khing Zú,  Y Gung Dăng, Dăm Bhu Dăm Bha….đã được nhiều bạn trẻ biết đến và có thể trình diễn.

Truyền dạy hát kể sử thi của người Ê đê ở Ea Tul  - ảnh 4

Được theo học một lớp truyền dạy sử thi từ năm 2004 thuộc dự án “sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”, hiểu sâu sắc về giá trị sử thi của dân tộc mình càng làm dày thêm tình yêu của Y Dhin Niê, từ đó những câu chuyện sử thi như Đăm San, Khinh zú, Đăm Di đã cùng anh Y Dhin Niê đi vào từng bữa ăn, giấc ngủ hay cùng anh lên rẫy. Và để rồi giờ đây anh là một trong những hạt nhân truyền dạy hát kể sử thi cho nhiều người ở xã Ea Tul.

Mỗi dịp được hát kể sử thi, Y Dhin Niê có cảm xúc rất đặc biệt: "Kể sử thi mình thấy như được sống lại tuổi thơ ấu thời xưa, sống với những người thời xưa ở một ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê đó, rất tự hào… Sử thi Đăm San, bài Đăm Yi (Di) thì có đoạn mình thích nhất."

Say mê học hát kể sử thi, học hát dân ca, học dệt thổ cẩm truyền thống… không chỉ thỏa mãn niềm đam mê mà mỗi người còn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc nối tiếp, lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Bạn trẻ Hờ Doen Mờ Lô chia sẻ: "Đã có sự đam mê trước nên khi được tham gia lớp học sử thi thì bản thân thấy rất phấn khởi và hứng thú lắng nghe nghệ nhân giảng dạy để từng bước từng bước mình thấm. Muốn lan tỏa được sử thi thì bản thân nhiều lần mỗi khi có dịp như là gặp bạn bè, họ hàng hay một sự kiện nào đó thì mình sẽ giới thiệu, mình kể chuyện để họ biết và lan tỏa nhiều hơn về sử thi để duy trì văn hóa kể khan cho thế hệ trẻ sau này. "

Từ niềm tự hào về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc những người con Ê đê ở xã Ea Tul đều có những đóng góp của mình đã và đang tiếp tục khơi nguồn dòng chảy, nối dài đam mê để mạch nguồn văn hóa truyền thống, để sử thi cùng những câu hát dân ca, những tiếng ngân cao vút của cồng chiêng vang vọng mãi tới mai sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác