Vở diễn Ngày xưa: Những truyền thuyết dân gian Việt lên sân khấu kịch Pháp - Việt

(VOV5) - Được một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp gốc Việt và Pháp thực hiện, dự án này nhằm mục đích giao thoa hai nền văn hóa thông qua ngôn ngữ, truyền thống âm nhạc và thẩm mỹ quan. 

Vở diễn “Ngày xưa” là một tác phẩm sân khấu Pháp - Việt, được chuyển thể từ những sự tích và truyền thuyết dân gian lâu đời tại Việt Nam (từ những năm 300 trước công nguyên) dự kiến sẽ được trình diễn vào tháng 9/2024 tại Hà Nội và dự kiến sẽ đi lưu diễn tại các thành phố khác ở Việt Nam (bao gồm cả việc tham gia Festival Huế 2024).

Hiện vở diễn vừa qua giai đoạn tuyển chọn diễn viên và bắt đầu trên sàn tập.

Nghe âm thanh tại đây:
 
Vở diễn Ngày xưa: Những truyền thuyết dân gian Việt lên sân khấu kịch Pháp - Việt - ảnh 1 Buổi training thể lực cho diễn viên trong vở diễn - Ảnh: Xưởng kịch và nghệ thuật ATH

Vở kịch bao gồm bốn sự tích dân gian được chuyển thể sân khấu, được trích từ cuốn “Đầm Nhất Dạ và các truyền thuyết khác của Việt Nam’’ của nhà văn Trần Huy Minh. Bốn câu chuyện có một điểm chung nổi bật là sự kết hợp giữa trí tưởng tượng, chủ nghĩa siêu nhiên và hiện thực, sự tích “Thần trụ trời” miêu tả sự ra đời của thế gian; “Sự tích cây Nêu” kể về phong tục Tết cổ truyền; Sự tích “Con rồng cháu tiên”, cội nguồn dân tộc Việt Nam” là câu chuyện về nền tảng của xã hội Việt Nam; “Sự tích trầu cau” là chuyện minh họa mối liên hệ cơ bản giữa con người và thiên nhiên. Khi kết hợp lại, chúng tạo nên một vở diễn đầy màu sắc, trong đó mỗi câu chuyện lần lượt mở ra và cùng nhau cộng hưởng. Đều là những câu chuyện nói về cội nguồn, kể về sự ra đời của 54 dân tộc Việt Nam ngày nay và sự tìm về với nền tảng di sản văn hóa, bốn câu chuyện mang đậm chất thần thoại này vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Vở diễn hứa hẹn sẽ đưa người xem vào một cuộc hành trình kỳ thú, độc đáo với sự đa dạng của các hình thức sân khấu hiện đại. Đạo diễn Quentin Delorme cho biết: "Trong quá trình sản xuất, mỗi truyền thuyết được sử dụng trong vở kịch này sẽ được nhào nặn qua với từng giai đoạn khác nhau để câu chuyện được Kịch hóa hơn, mà vẫn sẽ giữ được trọn vẹn cốt truyện. Một số giai đoạn chuyển thể được lấy ý tưởng từ Kịch ứng tác và Hiệu ứng Droste / (mise en abyme). Lời thoại của vở kịch vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa và sẽ được hoàn thiện trong các buổi diễn tập."

Đạo diễn Quentin Delorme cho biết thêm, mong muốn của ông là mang đến cho khán giả một loại hình kịch với những dáng vẻ mới, mang tính bất ngờ và độc đáo. Ông nói: “Tác phẩm của tôi được thôi thúc bởi ý tưởng về một loại hình kịch đại chúng không chỉ mang đến khả năng tiếp cận văn hóa cho tất cả mọi người mà còn mang tính giáo dục về thế giới quan và xã hội. Bằng việc tái hiện câu chuyện về Âu Cơ, quá trình Hồ Tây hay đỉnh núi Thạch Môn được tạo ra,... tôi mong muốn từ đó đưa khán giả trở về với cội nguồn của một nền văn hóa phong phú hơn, tập thể hơn, nhân văn hơn. Qua bốn sự tích điểm lại những điều làm nên nền tảng văn hóa Việt Nam, tôi cũng muốn nêu bật những điểm chung sâu sắc của nền văn hóa này với các nền văn hóa khác của nhân loại.”

Vở diễn Ngày xưa: Những truyền thuyết dân gian Việt lên sân khấu kịch Pháp - Việt - ảnh 2Trên sàn tập vở diễn - Ảnh: Xưởng kịch và nghệ thuật ATH

Ý tưởng của đạo diễn là xây dựng một tác phẩm pha trộn giữa nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và thẩm mỹ đương đại toàn cầu. Ông cho biết, vở kịch được tạo ra để mọi người đều tìm thấy chính mình trong đó, dù là khán giả đến từ Việt Nam, Pháp hay các quốc gia khác, dù là trẻ em hay người lớn, bất kể địa vị xã hội, vì vậy, trong vở diễn sẽ áp dụng những quy tắc văn hóa toàn cầu như: âm nhạc, trình chiếu video, manga, vv... Trong đó, "Thần trụ trời", câu chuyện về nguồn gốc và trận đại hồng thủy tại Việt nam, sẽ mang tới cảm giác trực quan sống động như thuyết Vụ nổ Lớn; “Sự tích cây Nêu” sẽ sử dụng chất thơ trong hình ảnh; “Con rồng cháu tiên hay Nguồn gốc người Việt” kể về Lạc Long Quân, cha đẻ của các dân tộc Việt Nam, đạo diễn sẽ sử dụng con rối; “Sự tích Trầu Cau” sẽ dựa trên các điểm đặc trưng của bi kịch Hy Lạp.

Đạo diễn Quentin Delorme chia sẻ về việc dàn dựng vở diễn: "Những trường vải dài được treo và sử dụng như màn chiếu, những con rối khổng lồ hoặc những diễn viên đổ ra từ nhiều phía để tận dụng chiều cao của sân khấu. Với tất cả những yếu tố này, sân khấu sẽ giống như một vũ trụ được biến đổi liên tục và là nơi những câu truyện cổ tích, những truyền thuyết của Việt Nam được sinh ra."

Xuyên suốt vở kịch, các hiệu ứng âm thanh sẽ đồng hành cùng các truyền thuyết.  Công việc “sưu tầm âm thanh” hiện đang được thực hiện tại Việt Nam. Trong chương trình, những âm thanh đã ghi này sẽ được sử dụng trực tiếp, pha trộn cùng âm nhạc.Vẫn trên tinh thần giao thoa văn hóa, các nhạc công trình diễn trên sân khấu sẽ chơi các loại nhạc cụ đến từ châu Á và châu Âu.

Trong suốt buổi biểu diễn, một người dẫn chuyện cùng với nhạc công sẽ kể các câu chuyện được sự dụng bằng tiếng Pháp qua giọng hát, trong khi các diễn viên trên sân khấu sẽ diễn thoại bằng tiếng Việt. Nhờ sự song ngữ này, chương trình sẽ được viết theo cách có thể hiểu được bằng cả hai ngôn ngữ. Các chữ tượng hình cũng sẽ được sử dụng, như một cơ hội bổ sung để gắn kết mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.

Vở diễn Ngày xưa: Những truyền thuyết dân gian Việt lên sân khấu kịch Pháp - Việt - ảnh 3Đạo diễn người Pháp Quentin Delorme từng chỉ đạo đoàn kịch Niza từ năm 2003 đến năm 2010, đã phát triển các dự án sân khấu ở Pháp, Việt Nam, Maroc, Italia và Bỉ.

 Đạo diễn Quentin chuyên làm về các tác phẩm sân khấu đường phố, dàn dựng các tác phẩm chuyển thể từ truyện và các sách phúc âm. Quentin đã giành được giải thưởng tài năng trẻ Paris năm 2008.

Đến Đông Nam Á để làm giáo viên kịch tại các quốc gia khác nhau (Thái Lan, Lào, Philippines, Việt Nam), đã định cư vào năm 2010 tại Hà Nội, nơi ông đã thành lập ATH - Xưởng Kịch và Nghệ thuật, với sự hợp tác cùng Marianne Seguin, phát triển một phương pháp tổng hợp về giảng dạy nghệ thuật biểu diễn dựa trên cơ thể và sự phát triển cá nhân. Bằng cách tiếp cận sâu hơn trên sân khấu ATH những sáng tạo như chuyển thể truyện truyền thuyết của Việt Nam, truyền thuyết về Ulysses, dàn dựng tác phẩm của Brecht, Michalik, Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông phát triển kỹ năng của mình trong nghệ thuật dựng cảnh và đào sâu tìm kiếm một phong cách nghệ thuật dân chủ hơn, phổ quát hơn, cũng như mong muốn đưa văn hóa đến gần hơn với tất cả mọi người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác