​Nhà văn Trần Đình Vân – sống cả cuộc đời để viết hoa hai chữ Nhân dân

(VOV5) - Thái Duy – Trần Đình Vân, là nhà văn Việt hiếm hoi, định vị tên tuổi của mình chỉ bằng một tác phẩm văn học duy nhất trong làng văn, tác phẩm Sống như Anh, viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:

Nhà báo lừng lẫy Thái Duy, hay còn một bút danh khác khi viết văn là Trần Đình Vân, tạ thế ngày 14.4.2024, thọ 99 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - người làm bộ phim Thái Duy: Sống và viết, đã viết trong bài “Nhà báo Thái Duy – Sống như ánh mặt trời”: "Có những con người mà tài năng và nhân cách giống như một mặt trời, một giống cây quý hiếm có thể gieo mầm, làm sinh sôi sự sống tốt đẹp nhưng còn nhiều phần khuất lấp, không soi rọi, lan tỏa hết năng lượng sống tích cực của mình. Tôi nghĩ nhà báo Thái Duy là một người như vậy!"

Và Thái Duy – Trần Đình Vân, cũng là nhà văn Việt hiếm hoi, định vị tên tuổi của mình chỉ bằng một tác phẩm văn học duy nhất trong làng văn, tác phẩm Sống như Anh, viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

​Nhà văn Trần Đình Vân – sống cả cuộc đời để viết hoa hai chữ Nhân dân - ảnh 1Nhà báo Thái Duy - tức nhà văn Trần Đình Vân
Nhà báo Cẩm Thúy, đã có nhiều năm vinh dự được làm việc, gặp gỡ, hầu chuyện nghề với nhà báo Thái Duy ở báo Đại đoàn kết – tòa báo duy nhất Thái Duy làm việc cả cuộc đời, từ thuở ban đầu có tên báo Cứu quốc. Theo nhà báo Cẩm Thúy, cuộc đời của nhà văn Trần Đình Vân, mà trong làng báo đặc biệt nổi tiếng và được kính trọng với bút danh nhà báo Thái Duy: "Là một cuộc đời vô cùng đặc biệt."
"Ông vào báo Cứu quốc vào năm 1949 – báo Cứu quốc khi ấy là cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Chỉ một thời gian sau ông được cử đi theo các chiến dịch, từ chiến dịch đường 18 đến chiến dịch Biên giới. Và đặc biệt đối với chiến dịch Điện Biên Phủ thì ông theo bộ đội từ những ngày đầu tiên, cho đến ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ- cát.

Nói về cuộc đời rất đặc biệt của ông, vì ông đi xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1964 ông đi bộ ròng rã 3 tháng trời, vượt Trường Sơn vào Nam cùng Tổng biên tập báo Cứu quốc, và một thành viên nữa của báo, cùng lực lượng tại chỗ ở miền Nam thành lập báo Giải phóng – cơ quan tuyên truyền của Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sự đóng góp của ông cùng với mọi người đã khiến báo Giải phóng ngày một lớn mạnh, không chỉ phát hành ở miền Nam mà còn đưa ra miền Bắc qua đường hàng không đến Phnopenh rồi về Hà Nội.

Đây cũng là thời kỳ ông đã viết tác phẩm Sống như Anh cực kỳ nổi tiếng. Tác phẩm được cho là ghi theo lời kể của chị Quyên, tuy nhiên sự sáng tạo của ông trong tác phẩm này rất lớn, Nó không chỉ cổ vũ đồng bào miền Nam, đồng bào miền Bắc mà còn đến với độc giả nước ngoài, giúp bạn bè quốc tế có một góc nhìn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi ấy.”

​Nhà văn Trần Đình Vân – sống cả cuộc đời để viết hoa hai chữ Nhân dân - ảnh 2Bìa cuốn “Sống như anh” do NXB Văn học xuất bản đầu tiên năm 1965. - Ảnh - Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng/ Báo Quân đội nhân dân.

“Sống như Anh” của Trần Đình Vân được đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu tháng 7/1965 ở NXB Văn Học 302 ngàn bản, rồi được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản.

Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có cuốn sách nào vượt qua kỷ lục đó. Không thể không kể đến sức ảnh hưởng lớn của tác phẩm văn học duy nhất này của Trần Đình Vân lên nhiều thế hệ.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhàn, giảng viên khoa Truyền thông, trường Đại học Thăng Long nhớ lại:“Rất xúc động khi nhớ lại những năm tháng mình còn niên thiếu, mới học cấp 2, khi đọc được tác phẩm Sống như Anh để biết về anh Trỗi, về chị Quyên – những nhân vật có thật, những nhân vật lịch sử, cái cảm giác một thời hào hùng của dân tộc mình lại sống lại. Ngày đấy những đứa trẻ đang độ tuổi trưởng thành như chúng tôi nghe những câu chuyện về anh Trỗi chị Quyên, thực sự là tấm gương để chúng tôi cảm nhận được mình phải sống như thế nào để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của dân tộc. Từ đáy lòng tôi rất biết ơn những tác giả đầy tâm huyết như Trần Đình Vân đã để lại những tác phẩm kinh điển trong văn học về chiến tranh Việt Nam.”

Bà Ngô Thu Ngần, Phó Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Tôi không còn nhớ chính xác lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm Sống như Anh khi nào, chỉ chắc là những năm tôi học cấp 3. Nhưng ấn tượng cuốn sách để lại trong tôi khá sâu đậm.Tôi nhớ mình đã khóc không chỉ vì tiếc thương người anh hùng bất khuất Nguyễn Văn Trỗi không chịu khuất phục quân thù, đã anh dũng hy sinh dưới loạt đạn của kẻ thù, mà tôi còn khóc vì cái hạnh phúc ngắn ngủi của người vợ trẻ Phan Thị Quyên, mới cưới được vài tuần thì chồng bị bắt, bị xử tử hình.

Tôi nhớ mãi chi tiết chị Quyên kể, anh Trỗi thường xách nước tắm cho chị, những ngày trước khi anh bị bắt. Điều đó cho thấy người cộng sản trung kiên Nguyễn Văn Trỗi là một người chồng rất yêu thương, chiều chuộng và nâng niu người vợ của mình.”

Chỉ một tác phẩm văn học duy nhất, lấy chất liệu từ đời sống, viết theo kiểu truyện ký, nhưng hấp dẫn vô cùng chính bởi nhiệt huyết của lý tưởng cách mạng và thấm đẫm giá trị nhân văn. Trong trường hợp tác phẩm này, cụm từ “văn là người”, rất đúng với Thái Duy – Trần Đình Vân, bởi ông đã hiểu và “sinh thành” nên nhân vật từ đời tới văn học bằng sự cộng cảm của cả trái tim mẫn cảm, khối óc mẫn tiệp của mình.

Và bởi sống như viết, những dòng chữ chảy từ ngòi bút - là rót thẳng từ khối óc, con tim, Thái Duy – Trần Đình Vân “đã có có những dự cảm rất lớn về đời sống nhân dân, giữa những năm tháng đất nước đang thực hiện chế độ bao cấp:

“Ông lăn lộn đi xuống từng cánh đồng, từng hợp tác xã, và viết hàng mấy trăm bài báo đăng trên báo Đại đoàn kết, về mô hình làm ăn của nông dân, ở nơi nào làm ăn tập thể thì ở nơi đấy nhân dân đói khổ, và để cổ vũ cho một hình thức mới là khoán sản phẩm đến người nông dân. Những bài báo khi đó góp phần ra đời chỉ thị 100 và sau đấy là khoán 10 trong nông nghiệp. Nhà báo Hữu Thọ trong một bài báo trên tờ Nhân dân đã nhận xét, là có một số nhà báo nổi tiếng thời đấy cũng theo chủ đề này, tuy nhiên người viết nhiều nhất và đóng góp nhiều nhất chính là nhà báo Thái Duy trên báo Đại đoàn kết." - Nhà báo Cẩm Thúy cho biết - 

"Nói về nhà báo Thái Duy mà nói đấy là một cuộc đời đặc biệt, còn bởi vì suốt đời ông chỉ làm duy nhất ở tờ báo Mặt trận, qua các thời kỳ với các tên gọi là Cứu quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết. Ông không giữ bất kỳ một cương vị nào. Ông có tham gia Ủy biên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, tuy nhiên đấy là nhờ uy tín cá nhân mà ông được bầu tại các kỳ đại hội. Suốt đời ông chỉ làm phóng viên, suốt đời cần mẫn viết bài cho đến khi ngoài 90 tuổi ông vẫn viết bài trên báo Đại đoàn kết và nhiều tờ báo khác.

Trong câu chuyện với rất nhiều người, ông luôn nói rằng nhân dân mình rất vĩ đại. Và điều ông luôn mong mỏi, luôn muốn bênh vực nhất, chính là nhân dân. Ông nói rằng ngay cả trong Cách mạng tháng 8, mặc dù sự hy sinh của bộ đội là không thể kể được. Tuy nhiên sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong việc vận tải lương thực và vũ khí lên chiến trường là vô giá. Ông nói không có nhân dân thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau này khi đất nước đổi mới, ông cũng nói rằng: chính nhân dân đã sáng tạo ra cách làm ăn mới, nếu không có nhân dân thì cũng không có đổi mới.

Thái Duy hay là Trần Đình Vân là một người làm báo luôn nhìn thấy trước yêu cầu của Nhân dân. Suốt đời mình, nhà báo Thái Duy hay nhà văn Trần Đình Vân luôn luôn tìm mọi cách để viết hoa hai chữ Nhân Dân.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác