Huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Băng) thoát nghèo từ cây trúc

(VOV5) - Trúc sào tại Nguyên Bình thân thẳng, to, tròn đều, dẻo, dễ uốn, rất được ưa chuộng. Đây là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếu, bàn ghế...
Những cánh rừng trúc bạt ngàn từ lâu đã trở thành biểu tượng của huyện miền núi Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Để giúp người dân phát triển sản xuất, xóa nghèo và vươn lên làm giàu bền vững, huyện Nguyên Bình đã có những kế hoạch, phương án phát triển diện tích rừng trúc theo hướng bền vững và tìm hướng đi cho các sản phẩm từ cây trúc.
 Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Cây trúc sào đã bén rễ với mảnh đất Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng từ lâu. Dọc theo Quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, trúc sào được trồng bạt ngàn dọc hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Chỗ nào đất đồi dốc, cây trúc càng dễ dàng đâm chồi, vươn lên. Đây là loại cây được coi như xương sống, trục đỡ chính trong phát triển nông nghiệp của huyện.

Nguyên Bình hiện có hơn 2000 ha cây trúc sào, trải rộng trên địa bàn 16 xã, thị trấn. Có xã, diện tích cây trúc sào đạt trên 600 ha. Trúc sào từ khi trồng cần tối thiểu 3 năm sinh trưởng mới có thể bắt đầu cho thu hoạch nhưng để cây trúc có chất lượng tốt nhất phục vụ sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ hay chiếu trúc, cần từ 7 đến 10 năm. Gia đình ông Lý Phương Sinh, dân tộc Mông ở xóm Xà Pèng, xã Ca Thành, được nhiều người đặt cho biệt danh "vua trúc sào". Bởi ông Sinh tiên phong trồng trúc từ những năm 2000 và hiện là hộ có diện tích trồng trúc nhiều nhất xã Ca Thành. Gia đình ông Sinh thu nhập từ khai thác trúc sào theo chu kỳ đạt từ 300 - 400 triệu đồng (12.000-16.000 USD) với diện tích trồng trúc sào khoảng 06 ha.
Huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Băng) thoát nghèo từ cây trúc - ảnh 1Những cánh rừng trúc bạt ngàn từ lâu đã trở thành "biểu tượng" mỗi khi nhắc đến Nguyên Bình - Ảnh: VOV

Trong khi đó, gia đình anh Chu Tiến Thanh, huyện Nguyên Bình, mỗi năm cho thu nhập từ 35 - 40 triệu (1.600-1.800 USD) từ cây trúc. Khoản thu nhập này góp phần đáng kể giúp người dân thoát nghèo. Anh Chu Tiến Thanh chia sẻ: "Trồng trúc tương lai sẽ cho lợi nhuận cao vì đây là cây lâu dài. Một khi đã trồng thì phải ngoài 10 năm mới được khai thác. Chúng tôi từ nhỏ đã theo ông bà lên rừng trồng trúc, trồng 1 sào cũng bán được khoảng 20-30 triệu đồng (800-1.200 USD). Trồng trúc tuy vất vả nhưng khi đã trồng xuống thì không cần chăm sóc nhiều, không cần chăm sóc như trồng ngô, trồng lúa".

Trúc sào tại Nguyên Bình nổi tiếng với đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dẻo, dễ uốn, rất được ưa chuộng. Đây là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếu, bàn, ghế... Trên địa bàn huyện Nguyên Bình hiện nay cũng đã có một số cơ sở chế biến sản phẩm cây trúc sào hoạt động ổn định. Riêng xưởng sản xuất chiếu trúc của Công ty TNHH MTV 688, mỗi tháng cũng tiêu thụ 150 đến 200 xe nguyên liệu (tương đương 2.500 đến 4000 mét khối trúc sào) và sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường miền Bắc.

Ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV 688, cho biết: "Tôi cũng tìm hiểu nhiều và tôi chưa thấy cây trúc ở đâu đạt tiêu chuẩn như cây trúc ở Cao Bằng. Trúc của Nguyên Bình có vỏ rất bóng, không có lông nên khi sản xuất sẽ giữ lại phần cật mang chất sừng rất nhiều, tạo ra chiếc chiếu bền, không ngấm mồ hôi, càng nằm sẽ càng bền. Các loại cây khác khi làm chiếu sẽ phải loại bỏ phần cật, còn cây trúc ở đây phần cật có thể giữ lại. Đây cũng là yếu tố quyết định cho chiếc chiếu của chúng tôi bền, thân thiện với người dùng".

Huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Băng) thoát nghèo từ cây trúc - ảnh 2Xưởng làm chiếu trúc của ông Nguyễn Quang Quyền là một trong hai cơ sở bao tiêu nguyên liệu lớn nhất ngay tại huyện Nguyên Bình - Ảnh: VOV

Ngoài việc bao tiêu cây trúc nguyên liệu cho người dân, các cơ sở sản xuất còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Chị Lăng Thị Hồi, xã Đại Sơn, huyện Quảng Hoà, đang là công nhân của một cơ sở sản xuất chiếu trúc, chia sẻ: "Tôi đã tham gia làm chiếu gần 10 năm, làm quen rồi cũng thấy không có gì vất vả. Công việc này cũng thoải mái về thời gian, ngày làm 8 tiếng vẫn có thời gian lo cho gia đình. Công việc làm chiếu cho thu nhập cao hơn, ổn định hơn những công việc khác. Môi trường làm việc tuy có bụi nhưng cũng không phải vất vả so với đi làm nương rẫy".

Huyện Nguyên Bình phấn đấu đến năm tới tiếp tục phát triển thêm ít nhất 1.000 ha diện tích cây trúc sào. Mở rộng diện tích cây trúc sẽ xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tạo sinh kế ổn định giúp người dân tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, huyện Nguyên Bình cũng đang khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm từ những rừng trúc sào tự nhiên như điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn Trúc sào tại xóm Bản Phường, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén... Từ đó, góp phần cải thiện đời sống, đưa đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc nơi đây ngày càng phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác