Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ - câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của Pierre Foulon

(VOV5) - Những nội dung trong cuốn sách cho thấy cách tiếp cận với tầm mức tiếp xúc cao của Foulon với văn hóa Việt cuối thời kỳ thuộc địa tại Đông Dương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
Câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của trí thức người Pháp – Pierre Foulon như một sự giao thoa văn hóa Đông Tây đặc sắc qua ấn phẩm “Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ” của ông do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ.
Cuốn sách trình bày những triết lý văn hóa phương Đông nhưng đồng thời cũng chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây của tác giả. Nội dung này được phân tích tại tọa đàm “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” nhìn từ tiếp xúc Pháp Việt đầu thế kỷ XX do Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty TNHH Quốc tế Mai Hà vừa tổ chức.
Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ - câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của Pierre Foulon - ảnh 1

GS.TS. Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Cuốn sách của Pierre Foulon là một trường hợp đặc biệt và rất lạ, từ nội dung đến hình thức thể hiện”.  

Ông cho rằng “Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ” là cuốn sách “lạ” khi 4 chương của cuốn sách được gọi tên bằng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; “lạ” khi lời dẫn đầu được viết bằng một phong cách rất thơ: “Lời ngỏ bên thềm” và “lạ” khi Foulon đã đem đến một cuộc đối thoại vô hình trong tưởng tượng của hai nhà hiền triết Đông - Tây là Khổng Tử và Socrate. 4 chương của “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” được dựa trên cảm hứng “triết học tứ quý” của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khổng Tử, nhưng là những trang sách hấp dẫn khi có cái nhìn nghiên cứu sâu sắc.

Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ - câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của Pierre Foulon - ảnh 2Các diễn giả tại tọa đàm

Góp một cái nhìn về Pierre Foulon là ai, và cuốn sách ra đời như thế nào, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Pierre Foulon là thầy dạy triết học tại trường Trung học Bảo hộ Lycée du Protectorat (tức Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội hiện nay): “Tác giả là sản phẩm của dòng chảy chủ nghĩa đế quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi thực dân phương Tây bắt đầu hoàn thành quá trình xác lập thuộc địa của nó, với (sự có mặt của) toàn quyền Đông Dương Paul Dumer, xuất hiện những nhà khai hóa, những nhà chinh phục, phần lớn trong số họ là những kẻ thực dân. Tuy nhiên, ông lại thuộc về "những người phương Tây bị phương Đông mê hoặc" (chữ của Valery).

Đọc ở trang đầu tiên của cuốn sách sẽ thấy ông viết cuốn sách với hy vọng cô con gái 2 tuổi của mình có thể đọc sách này để hiểu về vùng đất mà cô ấy sinh ra. Đồng nghiệp của ông là (những học giả) Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm... Người ông chơi cùng là Nguyễn Tiến Lãng, con rể của Phạm Quỳnh, rồi Tô Ngọc Vân - chính là người vẽ minh họa trong cuốn sách. Và trong đoạn đầu tiên của sách ông cảm ơn những người bạn của mình.

Ông viết về những người khác ngoài Tô Ngọc Vân, Dương Quảng Hàm: "Bạn đọc ơi, đây là đạo binh mà họ xin phép không nêu tên họ, vì đó là tất cả bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí An Nam của tôi. Tất cả với sự kiên nhẫn dễ thương nhất giải thích cho mọi điều tôi có thể muốn biết về đất nước, phong tục, tín ngưỡng của họ".… - Tiến sĩ Vũ Đức Liêm nói.

Cũng bởi thế, điều đặc biệt của cuốn sách là ngay khi ra mắt, danh họa Tô Ngọc Vân là người thiết kế, trình bày cho cuốn sách. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian với mô típ tranh Tam đa quen thuộc.

Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ - câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của Pierre Foulon - ảnh 3

Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ”  trình bày những triết lý văn hóa phương Đông đồng thời cũng chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây của tác giả, vậy nên có thể coi đây như một sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây.

Tác phẩm của Pierre Foulon có một lối viết rất mới, mới cả với chúng ta ngày hôm nay: “Ông có lẽ là một trong những người lạ. Ông là giáo sư dạy triết học, văn học, ngôn ngữ nữa. Ông dùng lối viết sử thi theo triết học sinh thái. Vì toàn bộ 4 chương sách này Xuân Hạ Thu Đông toàn là những câu chuyện nền, câu chuyện sinh thái của xứ Bắc Kỳ mình cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Lối viết lịch sử theo kiểu sinh thái của Foulon phải chăng hóa ra lại đi tiên phong ở Việt Nam?”

Theo TS Vũ Đức Liêm, một trong những điểm lạ tạo nên giá trị của cuốn sách nữa ở chỗ tác phẩm ví như một bài thơ về sự giao cảm của con người với thời gian, với sinh thái, với triết học, với tôn giáo. Nó rất tuyệt vời nhưng để đọc được thì không đơn giản: “:”Nó rất khác lạ ở chỗ: tất cả những gì chúng ta đọc là một Nhật ký thời gian - những gì mà người Bắc Kỳ làm cho một năm. Hãy tưởng tượng chúng ta là những nhà du hành tiến vào vùng Bắc Kỳ này vào mùa xuân, vào buổi sáng, buổi nguyên đán đầu năm. Chúng ta có mừng tuổi, có pháo nổ, treo bức tranh con gà, tranh Tam Đa. Rồi chúng ta đi gieo hạt, trồng cấy, đi lễ đền này kia..Và như vậy là hết mùa xuân. Tác giả ghi chép ở trong những chú giải.”

Những nội dung trong cuốn sách cho thấy cách tiếp cận với tầm mức tiếp xúc cao của Foulon với văn hóa Việt cuối thời kỳ thuộc địa tại Đông Dương. Tổng kết ý kiến của các diễn giả, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói: “Giáo sư Đỗ Quang Hưng đã cho khái niệm về triết học hay là lịch sử sinh thái, còn tiến sĩ Vũ Đức Liêm cho biết thêm một góc nhìn khác của Foulon chính là Nhật ký thời gian. Và xuất phát từ tâm thế của một chế độ thực dân, sang Đông Dương tham gia một dự án thực dân, nhưng rõ ràng góc nhìn của Foulon về văn hóa Việt Nam rất tinh tế và sâu sắc. Khi đọc cuốn sách chúng ta thấy phải am hiểu, cực kỳ am hiểu và đặc biệt cực kỳ yêu nền văn hóa này thì mới có những góc nhìn rất tinh tế như vậy.”

Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ - câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của Pierre Foulon - ảnh 4

Sống tại Hà Nội trong bối cảnh lịch sử giai đoạn thực dân Pháp sắp lụi tàn, có lẽ Pierre Foulon đã dự cảm được những biến động sắp tới. GS.TS Đỗ Quang Hưng nhận định, góc nhìn khác biệt của tác giả so với học giả Pháp viết về Việt Nam trước đó nằm ở sự đối thoại.

Cuốn sách là tổng hòa của sự đối thoại giữa khoa học, triết học với nghệ thuật văn chương; cuộc đối thoại giữa phương Đông và phương Tây.

Chính sự mẫn cảm khi va chạm với văn hóa Việt, những khác biệt được nhìn từ sự thấu hiểu và tình yêu khiến cho các trang viết của Pierre Foulon có góc nhìn đặc biệt: "Cảm thức khác biệt là một trong những thứ mà tôi cho là hay nhất. Khi đã có được một cảm thức tốt, vừa dân tộc nhưng lại vừa thời đại, lịch sử cụ thể thì lại phải hướng tới những cái nhân bản tương lai như thế nào? Nếu như chúng ta có một cảm thức về quan hệ dân tộc thì chúng ta vượt qua được những rào cản ý thức hệ".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác