NSND Thanh Tú xuất thần và đam mê khi trở lại với sân khấu

(VOV5) - Theo nhà biên kịch Hoàng Thanh Du: Ngôi sao số 1 trong làng sân khấu nước nhà, đến giờ vẫn giữ được sự say mê, giọng nói và kĩ năng biểu diễn, biến hóa linh hoạt...là điều rất đáng trân trọng.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

NSND Thanh Tú xuất thần và đam mê khi trở lại với sân khấu  - ảnh 1NSND Thanh Tú thời trẻ - Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam
Nhiều khán giả biết đến NSND Thanh Tú qua các vai diễn điện ảnh, đặc biệt là vai chị Nhu trong bộ phim “Sao Tháng Tám” của đạo diễn Trần Đắc. Bà được ví như "bông hồng tuyệt đẹp của dòng phim cách mạng" và có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô.

Tuy vậy, niềm đam mê và khát khao cống hiến của Thanh Tú lại là sân khấu. Thời gian tuổi trẻ, những vở diễn để đời của bà có thể kể đến như "Âm mưu và tình yêu", "Tania", "Tiền tuyến gọi".

Khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà trở lại với sân khấu trong vai trò đạo diễn, diễn viên, với những thử nghiệm mới mẻ, thể hiện sự đau đáu để tiếp nối tinh thần mà những người thầy đã gợi mở cho bà cũng như các đồng nghiệp nhiều năm về trước.

Tháng 11 năm 2022, tại Liên hoan sân khấu Quốc tế thử nghiệm lần thứ 5, nhiều khán giả và những người làm chuyên môn bất ngờ với sự trở lại ánh hào quang sân khấu của NSND Thanh Tú. Với vở sân khấu thử nghiệm “Giác”, một mình bà đóng 4 vai và tự độc thoại, đối thoại với mình và với khán giản. Trước khi biểu diễn vở “Giác”, bà và ekip xác định đây là sân khấu nhỏ thử nghiệm, có thể diễn ở bất cứ đâu để đưa sân khấu đến với công chúng.

Chính yếu tố thử nghiệm, có thể thành công và cũng có thể không thành công nhưng dường như khi “dám chơi hết mình” dù ở tuổi xưa nay hiếm, Thanh Tú đã trình làng tác phẩm rất lạ lẫm: không xung đột, không có mâu thuẫn đối kháng, không có lời đối thoại giữa các nhân vật, chỉ có một người diễn và nói rất nhiều vấn đề của thời đại: “Trong vở kịch “Giác”, các nhân vật ảo và nhân vật thật cùng sống với nhau, đó là cách viết của tác giả kịch bản Đặng Huy Quyển. Anh ấy luôn nói với tôi rằng: chúng ta không cần làm lại mới một cái cũ mà chúng ta phải làm tác phẩm của ngày hôm nay. Ngày hôm nay có rất nhiều vấn đề có thể phản ánh, ví dụ trong kịch bản của tôi, vấn đề tham nhũng như thế nào, vấn đề làm ăn kinh tế như thế nào, vấn đề phụ nữ ra nước ngoài, vấn đề người già cô đơn như thế nào…”.

Sau nhiều năm nghỉ diễn, tham gia công tác giảng dạy, đóng phim điện ảnh, truyền hình… NSND Thanh Tú quay lại với sân khấu, chỉ một lẽ đơn giản, bà “rất yêu nghề diễn”, vẫn mong muốn ánh hào quang của nghệ thuật được trở lại. Và sự trở lại ấy của bà bằng một kịch bản mở, mỗi người xem tự tìm câu trả lời.

NSND Thanh Tú xuất thần và đam mê khi trở lại với sân khấu  - ảnh 2Đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ kịch nói Thanh Tú trên sàn diễn - Ảnh: vietnamnet.vn

Còn trong vai chính, Thanh Tú lúc đóng vai người chồng, lúc đóng vai người con trai đi tù, lúc khác lại đóng người con gái đi lấy chồng nước ngoài, còn vai diễn người mẹ bà dành một vị trí trung tâm. Mỗi nhân vật có một cách ứng xử và giao lưu với khán giả khác nhau, thậm chí theo như cách nói nôm na của bà là diễn “điên” một tý, gần hơn với khán giả một tý: “Lời thoại Em yêu anh đến cuồng dại, yêu anh bằng cả mối tình đầu và tình cuối gộp lại. Em cảm ơn anh những phút thăng hoa của hạnh phúc, của những tận cùng sự đau khổ”. Tác giả kịch bản là anh Đặng Huy Quyển yêu cầu: “Tú nói thật rõ, không cần phải nói nhanh, không mất một chữ, không thừa một lời”. Diễn “điên” là để nhân vật ấy chếch sang con người mình- nhưng nhân vật ấy phải chết trong con người mình. Và tôi đã nói không thiếu một chữ, không thừa một từ bởi lời trong kich bản rất hay, để cho khán giả cùng phán xét hoàn cảnh và tìm câu trả lời”

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là người chứng kiến sự “trở lại” của NSND Thanh Tú với sân khấu, dù là một mình nhưng bằng tài năng, bà đã thuyết phục khán giả cũng như những người làm chuyên môn. Theo ông, ngôi sao số 1 trong làng sân khấu nước nhà, đến giờ vẫn giữ được sự say mê, giọng nói và kĩ năng biểu diễn, biến hóa linh hoạt, thuyết phục khán giả là điều rất đáng trân trọng: Chúng tôi và có lẽ là những diễn viên trẻ, những thế hệ sau luôn nhìn thấy sự yêu nghề, khát khao của chị. Ở tầm tuổi xưa nay hiếm mà  chị vẫn khát khao cống hiến! Tài năng thì tôi không bàn, bởi từ những năm 60, 70 tôi đã chứng kiến chị đoạt được nhiều huy chương rồi. Sự bền bỉ, kiên nhẫn đến tận cùng mới đáng quý hơn tất cả”

Sau mỗi đêm diễn, niềm an ủi lớn nhất của NSND Thanh Tú là sự ủng hộ của khán giả. Người ta vẫn thường nói, trên sân khấu, diễn viên là những ông hoàng bà chúa. Đối với bà, ánh hào quang ấy dường như trở lại, để thấy sự “lạc hậu” của mình không mất đi: “Bấy lâu nay, tôi vẫn trăn trở về sân khấu bác học, sân khấu văn hiến Bắc Hà mà các thầy đã truyền lại cách đây 30 năm. Đó là quãng thời gian các thầy của tôi như NSND Xuân Trình, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Đình Quang… lập nên sân khấu nhỏ thử nghiệm khi khán giả quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu. Kế hoạch ấy còn dang dở thì những người thầy mà bà kính trọng lần lượt ra đi. Còn tôi sau đó làm diễn viên điện ảnh, diễn viên sân khấu, đạo diễn, đào tạo các thế hệ sinh viên. Tựu chung lại, tôi vẫn chỉ là Thanh Tú thôi và tôi vẫn rất yêu nghề diễn.”

Không suôn sẻ trong hạnh phúc riêng, NSND Thanh Tú lại có niềm an ủi với những người con và dành thời gian cho nghệ thuật. Bà vẫn luôn nói với mọi người rằng: “Tôi là diễn viên sân khấu, là đạo diễn sân khấu, trước sau chỉ thế thôi”. Người phụ nữ ở tuổi xưa nay hiếm ấy vẫn ngày ngày làm việc, tham gia một số dự án phim, vẫn truyền năng lượng tích cực cho các thế hệ trẻ… thông qua những giờ lên lớp. Bà vẫn dành cho mình những khoảng lặng trong tâm hồn để làm thơ, để chờ đợi một “hiệp sĩ trong lòng”.  Bà từng tâm sự: “Tôi vẫn chờ một điều không bao giờ đến. Nhưng nếu như tôi không chờ, tôi chẳng có lẽ gì để sống nữa”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác