Hỗ trợ nhà văn trẻ - Nên bắt đầu từ đâu?

(VOV5) - Nên coi các nhà văn trẻ là một người khởi nghiệp và điều quan trọng là phải tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho họ"

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023”. Với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà văn, nhà nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ các cây bút trẻ, hội thảo đã thu hút được nhiều tham luận, có giá trị cả về mặt thực tiễn lẫn lí luận.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Không ngạc nhiên khi các cụm từ như “tác giả trẻ”, “nhà văn trẻ”, “đội ngũ sáng tác trẻ” trở thành từ khóa ở nhiều diễn đàn. Ở bất cứ lĩnh vực nào, quan tâm tới đội ngũ kế cận đều là điều cần thiết. Văn chương cũng không ngoại lệ. Nhưng văn chương cũng có những thách thức riêng. Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Tỉ lệ hội viên trẻ, nếu tính đến tuổi 40, thì chỉ xấp xỉ 4%. Còn nếu tính từ 35 tuổi trở xuống theo tiêu chuẩn được xác định là cây bút trẻ hay là nhà văn trẻ thì chỉ có độ xấp xỉ 1,7 %, nghĩa là trong hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có chưa đến 20 người là những hội viên trẻ và tình trạng này đã được duy trì khá lâu. Chúng tôi nghĩ đấy là một con số biết nói. Và chúng ta cũng không cần phải nói gì thêm.

Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều cây bút trẻ khởi đầu rất ấn tượng, được trang bị kiến thức rất tốt, nổi lên như những niềm hi vọng của văn chương thế nhưng đột nhiên, họ lại chuyển sang công việc khác. Họ đến, xuất hiện, rất rực rỡ và khi rời khỏi văn chương cũng rất nhanh chóng. Đi tìm căn nguyên và trả lời cho câu hỏi vì sao người trẻ lại quyết định cầm bút thì chúng tôi cho rằng đây cũng là vấn đề quan trọng, cần đặt ra tại hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ.”

Hỗ trợ nhà văn trẻ - Nên bắt đầu từ đâu? - ảnh 1Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023"

Việc số lượng các nhà văn trẻ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong Hội Nhà văn Việt Nam là tình trạng đã kéo dài nhiều năm. Cho đến nay, nhiều người cho rằng đối với người trẻ, văn chương không phải là một lựa chọn hàng đầu. Và để theo đuổi sự nghiệp sáng tác, họ luôn phải có một hoặc một vài nghề khác để trang trải cuộc sống. Nếu không, rất dễ đứt gánh giữa đường.

Đây cũng là băn khoăn của TS. Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội: “Đào tạo viết văn là cần thiết và cơ hội đối với người học viết văn, với nghề văn là rất rộng mở, nếu anh có thực tài. Và thực tài này của anh, tất nhiên có đam mê, nhưng thực tài này phải được cộng hưởng từ cách nhìn, cách đánh giá, từ quan niệm của xã hội, nói một cách lí tưởng là của cộng đồng học tập và cộng đông văn chương. Nhưng thực tiễn hơn là chia sẻ từ chính các cơ quan quản lí nhà nước, tức những người cầm cân nảy mực, có thể có những cơ chế chính sách hữu dụng và thiết thực để có thể đồng hành cùng với những người viết, trong đó có những người viết trẻ. Họ bắt đầu và trước mắt họ là một hành trình rất dài để theo đuổi đam mê và nghề nghiệp của mình.

Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nên coi các nhà văn trẻ là một người khởi nghiệp và điều quan trọng là phải tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho họ: “Nhà văn giống như người khởi nghiệp và nếu chúng ta muốn có một nền văn học phát triển thực sự mạnh mẽ thì tôi tin rằng cần phải chuẩn bị cho họ một môi trường khởi nghiệp tốt. Hệ sinh thái khởi nghiệp là gì? Nó là một hệ thống bao gồm các tác nhân mà trung tâm là người khởi nghiệp. Xung quanh họ là các tác nhân hỗ trợ rồi các giải thưởng, các sàn đấu giá các ý tưởng khởi nghiệp, các vườn ươm công nghệ, các huấn luyện viên khởi nghiệp.”

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Phùng Ngọc Kiên bàn tới một số mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ tại một số quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Trong đó, anh nhấn mạnh ngoài việc quan tâm tới tác giả trẻ, còn cần phải chú ý tới độc giả trẻ: “Các Quỹ ở Pháp tạo ra các cầu nối. Họ tổ chức các chương trình vào mùa hè chẳng hạn do các hội đồng mà chúng ta gọi là các sở văn hóa của các tỉnh, các thành phố tổ chức. Họ đưa các nhà văn đến và không chỉ trò chuyện mà quan trọng hơn là có một cái gọi là hướng dẫn đọc tác phẩm. Điều này sẽ đi cùng với một thiết chế rất quan trọng về giải thưởng. Chúng ta cứ hình dung rằng giải thưởng do những người có chuyên môn, có kinh nghiệm quyết định. Nhưng họ có một giải thưởng khác là giải thưởng trẻ. Và các giải thưởng trẻ này được trao bởi ai? Bởi một hội đồng khoảng hai đến ba nghìn học sinh. Hội đồng học sinh này đã có khoảng 2 hoặc 3 tháng huấn luyện đọc. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu để chọn ra tác phẩm mình ưng ý.”

Là một người trong cuộc, TS, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đưa ra đề xuất cụ thể để hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ: “Trước hết, các cơ quan quản lí đề ra các tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng. Hai là công tác tổ chức các trại sáng tác, các đợt thực tế sáng tác. Đây là một xu thế và chúng ta cũng đã làm nhiều rồi nhưng để tập trung vào chuyên môn và cho các tác giả trẻ đi thực tế nhiều hơn. Và cải thiện nâng cao kinh phí hỗ trợ sáng tạo cho các tác giả trẻ. Câu chuyện về kinh phí là chuyện dường như muôn thuở. Chúng tôi không phải nói về tiền bạc nhiều nhưng đó cũng là sự động viên, tạo động lực cho tác giả.”

Làm gì để nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ là một câu hỏi không dễ tìm lời đáp. Dẫu vậy, với những ý kiến thẳng thắn đã đưa ra trong Hội thảo sẽ góp phần đem đến các giải pháp cụ thể, có tính đồng bộ và có thể được áp dụng rộng rãi để con đường văn chương, đối với người trẻ, bớt đi những hoang mang.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác