Sức trẻ trong văn chương đương đại

(VOV5) - Trong đời sống văn học đương đại các tác giả trẻ này đã mang đến bạn đọc hình dung khác, cảm nhận khác, không gian khác và đời sống khác của văn học hư cấu...

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tọa đàm "Sức sống mùa xuân trong văn học trẻ Hà Nội" do Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội kết hợp với Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức nhằm giới thiệu chuyển động mới về sáng tạo văn chương trong một số tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học tiêu biểu của tác giả trẻ thủ đô đang được dư luận quan tâm. Bằng những không gian khác, thế giới khác, các tác giả trẻ buộc độc giả phải có một cách đọc khác khi tiếp cận với nhiều tác phẩm được xuất bản gần đây.
Sức trẻ trong văn chương đương đại - ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến Trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Hà Nội phát biểu ý kiến tại tọa đàm. 

Đưa ra quan điểm về sáng tạo văn chương của nhiều cây bút trẻ thủ đô hiện nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Trưởng Ban Sáng tác, Trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng họ là những người có kiến thức và sức viết đa dạng, đều giỏi ngoại ngữ và có thể đọc tác phẩm bằng ngôn ngữ nước ngoài. Ngành nghề họ làm cũng vô cùng phong phú: giáo viên, nhà báo, hoạt động truyền thông, kinh tế, kỹ thuật, an ninh… Văn chương không bó hẹp ở bất cứ nghề nào, mọi mặt của đời sống xã hội đều đang được các cây bút chạm tới.

“Cuộc tọa đàm giới thiệu dòng chảy văn học mới với các tác giả tiêu biểu như Hiền Trang, Đức Anh, Nhật Phi... Trong đời sống văn học đương đại các tác giả trẻ này đã mang đến bạn đọc hình dung khác, cảm nhận khác, không gian khác và đời sống khác của văn học hư cấu, nhìn cuộc sống theo con mắt hư cấu của người viết để phản ánh đời sống hiện thực ở nhiều không gian mở khác nhau. Đóng góp của các cây bút trẻ này đã mang lại những phát hiện rất mới về giá trị thẩm mỹ của văn chương trong phương thức đổi mới về cách viết. Trước đây chúng ta hay lệ thuộc vào hiện thực. Nhưng khi hiện thực sáng tạo trong những tác giả này ở nhiều chiều kích thì bối cảnh truyện cũng có nhiều thay đổi, hấp dẫn độc giả.” – Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói.

Sức trẻ trong văn chương đương đại - ảnh 2Nhiều ý kiến được chia sẻ tại tọa đàm góp một cái nhìn tổng thể về văn trẻ Hà Nội

Cùng chung quan điểm với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh còn tìm thấy tính triết học được nhiều cây bút sử dụng nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Họ đã mạnh dạn vượt qua cái bóng văn chương của bậc đàn anh để khẳng định tên tuổi và tạng viết của mình.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng để có được nền văn chương lớn mạnh thì trong mỗi tác phẩm đều phảng phất tính triết học và mỹ học trong đó: “Việc tiếp cận với nguồn văn bản gốc, cộng với việc các bạn nghiên cứu về triết học rất kỹ để đưa vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn. Ví dụ như tác giả Hiền Trang với tác phẩm “Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa”. Việc đưa yếu tố triết học vào tác phẩm thì đều được các nhà văn mong muốn nhưng để chuyển hóa vào tác phẩm thì lại là điều không hề dễ dàng. Đây chính là điểm yếu của Văn học chúng ta. Thì nay các bạn trẻ đã khắc phục điều này để tác phẩm mang chiều sâu nhân văn.”

Là người đồng hành với diễn đàn Văn học trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội đã nhiều năm, nhà thơ Đặng Thiên Sơn khá lạc quan khi vài năm trở lại đây, số lượng tiểu thuyết của các tác giả trẻ xuất bản khá nhiều. Tác giả Nhật Phi có tiểu thuyết “Thị trấn mùa đông” và “Người ngủ thuê”. Tác giả Đức Anh thì năm nào cũng có tác phẩm xuất bản. Tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của anh vừa ra mắt đã trở thành hiện tượng, được đông đảo độc giả và giới chuyên môn đánh giá cao. Tác giả Hiền Trang ngoài tập tiểu luận "Tại sao ta yêu?" thì chị còn là tác giả của nhiều tập truyện ngắn như: “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”; “Dưới mái hiên đêm những khách lạ”; “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ”… Những tác phẩm này đã mang đến luồng văn chương mới mẻ, hấp dẫn cả về đề tài và phong cách sáng tác.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn chia sẻ: “Cái mới đầu tiên là lựa chọn đề tài. Nếu như trước đây đề tài thường nghiêng về đời sống, phố xá, nông thôn, chuyện tình cảm…, thì nay các nhà văn trẻ thường soi tìm vào thế giới khác. Họ lựa chọn trinh thám, kinh dị, những đề tài lâu này bị khuất lấp, thì bằng thể loại phi hư cấu, họ dựa vào đó để bày tỏ quan điểm, chứng kiến để phản ánh lại hiện thực. Hai là sự giao thoa không chỉ dành cho người Việt đọc nữa, mà các tác phẩm còn hướng tới người nước ngoài. Thứ ba thế hệ của các bạn được tiếp cận sâu cả về học thức và sức đọc rộng. Họ có thể nói và đọc tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật một cách thành thạo. Khi được sống trong bối cảnh toàn cầu đó thì các bạn trẻ sẽ có tham vọng và ý tưởng viết cho cả thế giới chứ không còn bó hẹp ở trong nước.”

Sức trẻ trong văn chương đương đại - ảnh 3Tác giả trẻ Hiền Trang phát biểu tại tọa đàm.

Một trong số tác giả trẻ được người yêu văn chương và độc giả nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây đó là Hiền Trang. Chị bước vào làng văn từ những giải thưởng tư nhân như: Giải thưởng thơ Lá Trầu, Giải thưởng thơ, văn xuôi Bách Việt, Giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm… Văn của Hiền Trang đầy ắp kiến thức về cuộc sống ở nhiều lĩnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Hội họa… Điều khác biệt ở cây bút này đó là sự am tường về kiến thức khi sống trong môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Xem văn chương là hướng đi chính trong tương lai gần nên Hiền Trang luôn tìm ra những hướng đi riêng trong từng tác phẩm.

“Nếu xác định viết là con đường gắn bó lâu dài thì phải yêu, để tích lũy lâu dài thì bắt buộc phải đọc, xem, tiếp nhận thế giới xung quanh, để mình biết là người ta đang dùng ngôn ngữ như thế nào và đang làm gì với ngôn từ. Vậy câu hỏi tại sao độc giả lại đọc tôi? Tại sao người ta lại cần tôi như một nhà văn để làm gì? Vì trong làng văn đã có những tên tuổi lớn. Tôi nghĩ rằng trong thời đại nào thì cũng sẽ có thứ văn chương ở thời đại đó. Bởi đơn giản là các nhà văn trước không sống ở thời đại này nên họ sẽ không biết và cũng không thể viết về thời đại này được. Đây chính là công việc của các nhà văn đương đại phản ánh về thời cuộc họ đang sống. Kể cả khi tôi viết về quá khứ thì tôi cũng sẽ nhìn bằng con mắt của người cầm bút đương thời.” – Hiền Trang nói.

Sức trẻ trong văn chương đương đại - ảnh 4Nhà văn trẻ Nhật Phi nói về cuốn Thị Trấn Mùa Đông

Từ một sinh viên Đại học Ngoại thương, cây bút trẻ Nhật Phi nhanh chóng góp mặt trong bản đồ làng văn bằng cuốn tiểu thuyết “Người ngủ thuê”- tác phẩm đoạt Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V. Liền sau đó là hai cuốn tiểu thuyết “Nhật ký người cô đơn” và “Thị trấn mùa đông” cũng được độc giả đón nhận mạnh mẽ. Với một phong cách viết mới lạ, thậm chí là khó nhằn khi anh lao vào địa hạt ít được khai thác, đó là mảng fantasy và phi hư cấu, Nhật Phi đã dựng lên một xã hội thu nhỏ mà ở đó ôm chứa nhiều vấn đề thời cuộc. Tuy nhiên để giữ được nhịp điệu và tiết tấu thì cây bút 9X không quên đặt một tiểu thuyết anh yêu thích bên cạnh trong quá trình sáng tác.

“ Khi tôi viết luôn để một cuốn sách yêu thích ở bên cạnh để giữ nhịp. Với cuốn “Thị trấn mùa đông” thì tôi đặt cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” của nhà văn Murakami Haruki, thỉnh thoảng trong quá trình viết thì tôi lại mở cuốn truyện ấy ra xem để có thêm cảm hứng trong quá trình viết. Còn khi viết “Người ngủ thuê” thì tôi lại để cuốn “Rừng Na Uy”. Chủ đích khi viết cuốn này là một câu chuyện đủ nhẹ, nhưng vẫn có nhiều trăn trở, mang bầu không khí khoải tuổi trẻ. Có lẽ người lớn nhiều kinh nghiệm thì họ không cần tới điều này. Nhưng với người viết trẻ thì đôi khi chịu tác động của cảm xúc, nên rất cần.”

Mỗi tác giả trẻ sẽ có một con mắt xanh khi lựa lọc đề tài, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt cho đứa con tinh thần của mình. Họ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không thiếu khó khăn trong quá trình cầm bút. Nhưng bằng tài năng và sức trẻ của mình, đội ngũ tác giả trẻ thủ đô hôm nay đang có những bước đi phá cách trong lĩnh vực văn chương để tạo nên những mùa xuân hi vọng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác