75 năm Văn Nghệ ra số báo đầu tiên

(VOV5) - "Sau kỷ niệm 75 năm, Báo Văn nghệ sẽ bước sang một giai đoạn mới để ứng dụng khoa học công nghệ và phải tương tác với bạn đọc của thời đại này."

Tháng 3 năm 1948, sau thành công của Hội nghị Văn nghệ kháng chiến toàn quốc, Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ra đời. Sau đó không lâu, Tạp chí Văn nghệ, tiền thên của Báo Văn nghệ, đã ra mắt số đầu tiên tại thôn Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tình Phú Thọ. Chào mừng dấu mốc này, Hội Nhà văn Việt Nam đã có chuỗi hoạt động kỉ niệm được tổ chức long trọng và ý nghĩa. 

Nghe âm thanh bài tại đây:
 

Ra số đầu tiên vào năm 1948, Báo Văn nghệ đã tròn 75 năm xây dựng và trưởng thành.  Tờ báo vẫn luôn thực hiện những tôn chỉ mục đích ban đầu của những người sáng lập, luôn là diễn đàn quan trọng về văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc và bạn viết trong và ngoài nước. 75 năm là một chặng đường dài, không chỉ của một ấn phấm văn chương, mà còn là một hành trình đồng hành cùng dân tộc.

75 năm Văn Nghệ ra số báo đầu tiên - ảnh 1Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi lễ - Ảnh:Mai Lữ/nhandan.vn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bộc bạch: “Trong suốt 75 năm, mỗi một số báo Văn nghệ ra là một cột mốc quan trọng trong tiến trình đồng hành cùng đất nước và mỗi một số báo đều mang giọng nói của thời đại. Báo Văn nghệ luôn đồng hành cùng đất nước trong thời đại đó. Những tiếng nói đó bày tỏ khát vọng của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Có lẽ không có một tờ báo nào mà có thể có bạn đọc đông đảo như vậy. Và mỗi một thời thì tờ báo lại thay đổi rất nhiều: thay đổi về hình thức, thay đổi cả về những phần mỹ thuật, bổ sung hay thêm vào các ấn phẩm khác. Thế nhưng nó vẫn là tờ báo đại diện cho tiếng nói của các văn nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt các nhà văn Việt Nam với thời đại của mình, với những vấn đề mà đất nước đang đối mặt và với những vấn đề cần thiết, cấp bách của đất nước.”

75 năm qua, Báo Văn nghệ đã tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ, tuyển chọn và công bố các tác phẩm chất lượng cao, thậm chí không ngại đăng tải các tác phẩm có xu hướng đổi mới, có phần thách thức với thị hiếu phổ thông. Nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi có những “con mắt xanh” luôn tìm kiếm và khích lệ nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, nhất là giai đoạn ban đầu.

Nhà văn Lê Hoài Nam nhớ lại lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ :“Tôi cộng tác với Báo Văn nghệ qua sáu đời tổng biên tập. Người tổng biên tập đầu tiên là nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Tôi in truyện ngắn đầu tay từ thời đó. Đó là vào năm 1980. Truyện ngắn đầu tiên là truyện ngắn “Đảo xa”. Lúc bấy giờ tôi là một chàng thiếu úy hải quân vừa đi đảo Vạn Hoa về. Hồi ấy chiến tranh biên giới còn đang tiếp diễn. Tôi nằm ở ngoài đảo Vạn Hoa một tháng với những người lính, công binh, hải quân và lính pháo bờ biển của hải quân. Tôi về viết được một chùm truyện ngắn, thì truyện ngắn mà tôi thích nhất chính là truyện ngắn Đảo xa. Tôi gửi cho báo Văn nghệ in ở số báo Tết Nguyên đán năm 1980. Và từ đó đi là hầu như là tôi cộng tác với báo Văn nghệ liên tục.”

75 năm Văn Nghệ ra số báo đầu tiên - ảnh 2

Vai trò “bà đỡ” của Báo Văn nghệ, cho đến nay, vẫn luôn là điều mà nhiều nhà văn, nhà thơ nhắc đến. Dường như không có gì vinh dự hơn với một tác giả khi được “trình làng” tác phẩm trên ấn phẩm này.

Nhà văn Uông Triều khẳng định: "Báo Văn nghệ là bà đỡ quan trọng đối với các nhà văn trẻ. Trước đây đã từng có tờ Văn nghệ Trẻ, nhưng ngay cả không có tờ Văn nghệ Trẻ thì tờ Văn nghệ chính thống, ta hay gọi vui là tờ Văn nghệ “già” thì ngay từ những giai đoạn đầu, rất nhiều các cây bút đã thành danh ở Việt Nam đã từng đăng những truyện hay nhất ở đấy. Ngay cả tôi, khi viết tôi cũng có ước mơ được đăng trên Báo Văn nghệ. Và những truyện trong giai đoạn đầu cùng những truyện được giải cũng từng đăng trên Báo Văn nghệ. Tất nhiên, tờ báo này của Hội Nhà văn, phải nói một cách công bằng, chính thống thì nó là tờ báo văn nghệ quan trọng nhất. Được đăng ở Văn nghệ là một vinh dự đối với rất nhiều cây bút, đặc biệt là những cây bút trẻ. Đấy là sự khẳng định chất lượng tác phẩm của mình, cũng như là nơi để mình thử thách khả năng của mình, cơ hội của mình.”

Gắn bó với Báo Văn nghệ trong suốt 20 năm, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự thường xuyên xuất hiện trên tờ báo này. Có khi ông làm thơ, viết truyện, viết hồi kí, phê bình tiểu luận, trích dịch tiểu thuyết. Nhưng điều bất ngờ là kỷ niệm mà ông thấy nhớ nhất với Báo Văn nghệ lại là các chùm truyện vui, từng được đăng tải đều đặn trên ấn phẩm: “Trên Báo Văn nghệ trong những năm trước đây, có những thời kì mà số báo Văn nghệ nào, tôi cũng có một chùm truyện vui. Thời anh Hữu Thỉnh làm Tổng biên tập hầu như có một năm, số nào tôi cũng có bài, ít nhất là có một chùm truyện cười. Những chùm truyện cười đó được ưa thích đến nỗi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hồi đó đấy có nói rằng: “Tôi cứ mở Báo Văn nghệ ra là phải xem cái truyện cười ấy có phải là của Lê Bá Thự hay không thì tôi mới đọc.” Tất nhiên anh ấy nói đùa thôi. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng truyện cười, truyện vui của mình có sức cuốn hút, có sức hấp dẫn là nhờ nó dí dỏm, thứ hai là chất trí tuệ của nó và thứ ba là nó rất Việt Nam.”

Cho đến nay, Báo Văn nghệ đã trải qua 19 đời Tổng biên tập (có thời kì vị trí này còn được gọi là Thư kí tòa soạn hoặc Chủ nhiệm). Trong đó có nhiều cây đa, cây đề của báo chí văn nghệ nước nhà như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai, nhà văn Hoàng Trung Thông…

75 năm qua, tờ báo đã xây dựng được nền tảng của mình, qua việc lựa chọn, đăng tải nhiều tác phẩm xuất sắc cùng với việc tổ chức 12 cuộc thi sáng tác văn học lớn nhỏ, ở nhiều thể loại như truyện ngắn, thơ, bút kí… đáp ứng được kì vọng của độc giả về một ấn phẩm văn chương.

Nói như nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập đương nhiệm của Báo Văn nghệ, tờ báo “chưa bao giờ lỗi hẹn với người đọc”: “Kể từ khi ra đời, ra số báo đầu tiên tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, tới ngày hôm nay, Báo Văn Nghệ đã đi được một chặng đường dài trọn vẹn 75 năm với biết bao thăng trầm, gian lao. Trong 75 năm ấy, dù trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo tới đâu, Tạp chí Văn nghệ, và sau đó là Báo Văn nghệ, cũng chưa từng lỗi hẹn với bạn đọc, bạn viết của mình. Trong tiến trình xây dựng và trưởng thành, đây là một tờ báo có chức năng đấu tranh, bảo vệ những quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài việc tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống, Báo Văn nghệ cũng đã từng trải qua những cuộc thảo luận, tranh luận, đấu tranh tư tưởng rất nghiêm túc và quyết liệt về những vấn đề liên quan tới đường lối của Đảng, Nhà nước.”

Đã từng cho ra đời các phụ trang như Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ dân tộc miền núi và đã từng buộc phải dừng xuất bản hai tạp chí này vào năm 2008, Báo Văn nghệ, như mọi ấn phẩm văn chương khác, cũng phải tìm đường phát triển trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là về công nghệ thông tin. Việc ra mắt giao diện Báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và Văn nghệ trẻ điện tử tại vannghetre.com.vn và vannghetre.vn cho thấy sự sẵn sàng nắm bắt xu hướng trong thời đại chuyến đổi số.

75 năm Văn Nghệ ra số báo đầu tiên - ảnh 3
Đại diện Ban Biên tập Báo Văn nghệ ra mắt giao diện báo điện tử. - Ảnh: Yến Ly/nguoihanoi.vn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng đây là một bước chuyển mình tất yếu: “Báo Văn nghệ có thể vẫn giữ một vẻ đẹp truyền thống là báo in, nhưng Báo Văn nghệ đang ở trong thời đại của 4.0, phải chuyển đổi số, phải làm sao để tiếp cận bạn đọc một cách tốt nhất và nhanh nhất. Chắc chắn sau kỷ niệm 75 năm, Báo Văn nghệ sẽ bước sang một giai đoạn mới để ứng dụng khoa học công nghệ và phải tương tác với bạn đọc của thời đại này. Vì khi thời đại thay đổi, bạn đọc thay đổi, cách nhìn về những vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng như về văn chương thay đổi thì một tờ báo Văn nghệ, tiếng nói của các nhà văn Việt Nam, phải thay đổi để tương tác, để phù hợp, để đồng hành cùng với bạn đọc vào thời đại này và đặc biệt là hướng tới những bạn đọc ở trong tương lai nữa.”

75 năm “tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi – cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”, Báo Văn nghệ đã vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Một niềm vinh dự khác, cũng ý nghĩa không kém, đối với tờ báo, chắc chắn là sự ghi nhận của bạn đọc, bạn viết về một diễn đàn văn chương luôn tôn trọng tự do sáng tạo, đồng thời cũng không ngại đưa ra những tiếng nói phản biện về nhiều vấn đề trong xã hội. Hành trình tiếp theo, mong rằng tờ báo sẽ tiếp tục tạo thêm không gian cho các cây bút, nhất là các cây bút trẻ, khẳng định mình trên con đường theo đuổi văn chương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác