Việt Nam luôn đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số

(VOV5) - Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chính sách đột phá về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việt Nam vừa bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước tại Geneve, Thụy Sĩ (29 - 30/11), đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... Kết quả này 1 lần nữa cho thấy rõ sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào.

Việt Nam luôn đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số  - ảnh 1Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn và phát huy. Ảnh minh họa: baodantoc.vn

Quyền của dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị, là quyền rất căn bản mà các nhóm dân tộc thiểu số ở tất cả các quốc gia được hưởng. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là 1 trong 9 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về nhân quyền. Tại Việt Nam, những quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số đều được tôn trọng, được thực thi có hệ thống.

Ghi nhận từ thực tế

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chính sách đột phá về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài việc ban hành hàng loạt các văn bản luật, quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách 998.000 tỷ đồng (41,5 tỷ USD) để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình Mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115.000 tỷ đồng (4,8 tỷ USD) để thực hiện 10 Dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Hiện nay, các địa phương đang dần triển khai, thực hiện và giải ngân vốn.

Chị Cao Thị Nỷ, hộ nghèo ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cho biết: "Nhà nước hỗ trợ nhà ở cho tôi, cho tôi đi học nghề nên tôi đã mở hàng ăn. Thu nhập cũng ổn định hơn. Có nhà, có nghề thì sẽ thoát nghèo thôi."

Gia đình ông Sơn Cường ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thì được địa phương hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: "Gia đình cảm ơn sự hỗ trợ nhà nước trong chuyển đổi ngành nghề, mình mua xuồng đi cắt cỏ cho bò, thuận tiện hơn. Giờ tôi nuôi được 1 con, sắp tới cố gắng nhân đàn thêm."

Trong khi đó, quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân tộc thiểu số không ngừng nâng cao. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội Quốc hội khóa XV là 89 trên tổng số 499 đại biểu, nhiều nhất so với 4 khóa trước. Mặt bằng dân trí của đồng bào được nâng lên. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.

Phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ được trao quyền, mà còn được chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là khi mang thai và sinh nở. Đơn cử tại Gia Lai, trước đây phụ nữ dân tộc phải tự sinh con tại nhà, và không được vào nhà khi chưa cúng Giàng. Thì giờ đây, đã có tới hơn 93% phụ nữ sinh con có cán bộ kỹ năng đỡ đẻ. Đời sống của bà con đã cải thiện hơn trước….

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là chính sách được ưu tiên

Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội;  bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…

Để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn, đến tận những bản làng xa xôi nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn phải là chủ thể thực thi.

Thứ trưởng Y Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, cho biết: "Sắp tới, làm thế nào để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là  10 dự án thành phần và các tiểu dự án. Bên cạnh đó, Uỷ ban dân tộc cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo Luật đất đai để đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, để tạo điều kiện  có nơi sinh kế ổn định, tốt nhất cho bà con…"

Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, chiếm 14,68% tổng dân số cả nước. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, hiện nay, Việt Nam tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt nhất mọi quyền lợi của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó khẳng định những thành tựu trong công tác nhân quyền nói chung và bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng. Đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của quyền con người Việt Nam, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác