Những quyết sách quan trọng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(VOV5) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bế mạc sáng nay (29/11), tại Hà Nội sau hơn 20 ngày làm việc. 

Những kết quả đạt được tại kỳ họp trên lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội, định hướng hoạt động, kết quả cho nửa nhiệm kỳ còn lại.

Tại kỳ họp này, Quốc hội thực hiện công việc rất lớn với nhiều nội dung, trong đó Quốc hội xem xét thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết quan trọng. Kỳ họp cũng đề ra các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Những quyết sách quan trọng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - ảnh 1 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bế mạc sáng nay (29/11), tại Hà Nội sau hơn 20 ngày làm việc.Ảnh: VOV

Hoàn thành khối lượng lớn công tác lập pháp

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 7 dự án luật, trong đó có: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi)… Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. 2 dự án Luật ban đầu dự kiến thông qua nhưng sau khi thảo luận, Quốc hội quyết định tiếp tục nghiên cứu và xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất, là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, cho biết: "Nếu so sánh với những kỳ họp trước, Quốc hội cho ý kiến, thông qua 12 đến 14 dự án Luật, nhưng lần này con số nâng lên là 17. Điều này cho thấy công tác lập pháp kỳ họp này là rất lớn. Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ có kế hoạch từ sớm, làm việc cả ngày nghỉ để có được dự thảo luật có chất lượng cao.

Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ thành lập những nhóm kỹ thuật để tiếp thu, giải trình các ý kiến, đặc biệt đối với những luật phức tạp như Luật đất đai khối lượng góp ý rất lớn lên đến 12 triệu ý kiến. Quốc hội đã tiếp thu trên tinh thần không bỏ sót ý kiến nào và tìm ra phương án khả thi nhất."

Những quyết sách quan trọng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - ảnh 2Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn 

Tại kỳ họp, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết, như: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024…

Đáng chú ý, Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024, quyết nghị từ 1/7/2024 cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Nâng cao chất lượng giám sát tối cao

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, phiên chất vấn không chỉ làm rõ tiến độ thực hiện các cam kết, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu mà còn nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp cho những tồn tại đang diễn ra.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá: "Tất cả 21 lĩnh vực chất vấn đã được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội, về trách nhiệm của từng bộ trưởng, trách nghiệm của từng ngành về thời gian, giải pháp thực hiện. 21 lĩnh vực rộng nhưng công việc rất cụ thể. Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ việc làm được, chưa làm được, trách nhiệm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri".

Bên cạnh đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai. Việc này giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Cũng tại kỳ họp, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đó là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% cho năm 2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6% đến 6,5%, một mục tiêu đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: "Chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025. Việc đặt ra chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, kinh hoạt trong thực hiện các mục tiêu"

Kỳ họp thứ 6, kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Những quyết sách được thông qua tại kỳ họp này là cơ sở để tháo gỡ những rào cản, bảo đảm an sinh xã hội, đạt được những mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác