2013 - Năm thử thách của chính quyền Tổng thống Barack Obama

(VOV5) - Hơn 315 triệu người dân Mỹ đã bắt đầu đợt nghỉ dài ngày đón Giáng sinh và mừng Năm mới 2014. Trong niềm hân hoan đón chào năm mới, bên cạnh niềm lạc quan về một năm mới sẽ tốt đẹp hơn thì hẳn mỗi người dân Mỹ đều có những kỷ niệm khó quên về một năm nhọc nhằn với những lo âu trong nước và khó khăn trong quan hệ quốc tế. Năm cũ sắp qua đi, đây cũng là thời điểm người ta bàn nhiều đến tài “thao lược”của người đứng đầu Nhà Trắng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2.

2013 - Năm thử thách của chính quyền Tổng thống Barack Obama - ảnh 1
Ảnh: Internet

Nước Mỹ bắt đầu năm 2013 bằng niềm tin từ sự tái cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống B.Obama. Người Mỹ hy vọng, trong 4 năm tới, nước Mỹ sẽ đi đến những vùng sáng của phát triển kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập người dân tăng cùng với những phúc lợi xã hội mang lại điều kiện sống tốt hơn cho họ. Và trên thực tế, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống B. Obama luôn giữ lời cam kết với cử tri khi xác định, kinh tế vẫn là trọng tâm, đồng thời nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa các nghị sỹ trong Quốc hội để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nước Mỹ. Nhưng có thể thấy suốt 12 tháng qua, nỗ lực của Tổng thống B.Obama chưa đạt được như mong muốn. Những tranh cãi trong nội bộ hai đảng dẫn tới sự bế tắc trong hầu hết các quyết sách đối nội cũng như đối ngoại của quốc gia này.

Bất đồng sâu sắc về chính trị và tài chính

Các vấn đề đối nội lớn của nước Mỹ năm 2013 như cắt giảm thâm hụt ngân sách, cải cách thang bậc thuế, cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, kiểm soát buôn bán súng đạn, cải cách chế độ nhập cư..., là những vấn đề mang tính cấp bách nhưng năm qua không ghi nhận sự chuyển động tích cực nào. Nổi lên trong đó là chương trình cải cách chế độ bảo hiểm và chăm sóc y tế, hay còn gọi là Obamacare. Đây có lẽ là bước trầy trật nhất, tốn nhiều công sức nhất của Tổng thống B. Obama khi đạo luật này được đưa vào thực thi trong tranh cãi. Vẫn biết căng thẳng đảng phái trong Quốc hội Mỹ đã trở thành vấn đề mang tính ý thức hệ, nhưng cuộc đối đầu giữa hai đảng năm 2013 đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Lần đầu tiên trong vòng 17 năm, một bộ phận công sở liên bang phải đóng cửa, ngừng hoạt động, hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ không lương, trong khi quốc gia bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ.

Bên cạnh đó, các yếu tố căng thẳng trong xã hội cũng là vấn đề đau đầu của chính quyền Mỹ năm 2013 khi liên tục xảy ra các vụ bắn giết nhau trong các trường học hay vụ một cựu binh Mỹ xả súng bừa bãi trong căn cứ hải quân chỉ cách trụ sở Quốc hội vài km.

Khủng hoảng ngoại giao liên quan đến chương trình do thám

Năm 2013, một vụ việc động trời liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ là vụ cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden chạy trốn ra nước ngoài và tiết lộ chương trình do thám bí mật trên diện rộng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Những thông tin do cựu nhân viên này tiết lộ khiến chính quyền Washington rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng, trong đó bao gồm cả những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ. Vụ việc khiến quan hệ Mỹ-Châu Âu sứt mẻ, làm trì hoãn các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại tây dương (TTIP). Với Nga, cùng với những căng thẳng liên quan tới kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, vấn đề Ukraine, vụ tiết lộ do thám khiến tiến trình cài đặt lại quan hệ giữa hai cường quốc này không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, dù mối quan hệ cộng sinh kinh tế Mỹ-Trung được đẩy lên với các cuộc gặp cấp cao liên tiếp nhưng những tuyên bố của Mỹ trước những hành động của Bắc Kinh ở các vùng biển tranh chấp cũng khiến quan hệ hai siêu cường ở tình trạng “bằng mặt chẳng bằng lòng”.

Những điểm sáng trong bức tranh nước Mỹ 2013

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng năm 2013, Tổng thống B.Obama đã ghi được vài dấu ấn thành công. Trước hết là những tiến triển tích cực trong phục hồi kinh tế. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2013 đạt 3,6%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% của các chuyên gia. Đây cũng là tốc độ tăng GDP mạnh nhất của Mỹ kể từ quý 1/2012. Kinh tế tăng trưởng đã góp phần hạ nhiệt thị trường lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 11/2013 giảm xuống mức 7%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Trong lĩnh vực đối ngoại, năm 2013 ghi nhận bước cải thiện rõ rệt trong quan hệ giữa Mỹ với quốc gia Hồi giáo Iran. Người dân Mỹ khá hài lòng với việc Nhà Trắng tranh thủ đường lối hòa giải của tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani để tìm một giải pháp “không gươm đao” cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Việc hủy bỏ phương án chiến tranh, chấp thuận đề xuất của Nga vào phút chót để tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria cũng được xem là cách giải quyết khéo léo của Tổng thống B.Obama tránh một cuộc chiến tranh hao tiền tốn của.

Năm 2014 với nền kinh tế mạnh hơn rất có thể sẽ là năm đột phá với nước Mỹ. Song, để đảm bảo tăng trưởng rộng lớn hơn cho tất cả người dân còn rất nhiều việc phải làm. Cùng với tăng cường sức mạnh trong nước, tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề đối nội, đối ngoại, nước Mỹ cũng cần tiếp tục theo đuổi con đường mới hướng tới một thế giới an toàn hơn. Đây là những thách thức không hề nhỏ cho Tổng thống B.Obama trong năm 2014./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác