Ý nghĩa đằng sau cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba

(VOV5) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có một cử chỉ hiếm thấy, thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, đó là bắt tay với nhà lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Raul Castro, tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nelson Mandela ở Nam Phi. Dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng cái bắt tay nồng ấm này có mang tính lịch sử, báo hiệu sự tan băng trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vốn tồn tại hơn nửa thế kỷ qua hay không?

Ý nghĩa đằng sau cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với nhà lãnh đạo Cuba,
 Chủ tịch Raul Castro

Ngày 10/12, tại lễ tưởng niệm trang nghiêm, trước gần 100 nguyên thủ quốc gia, khi bước lên bục phát biểu ca ngợi sự nghiệp và di sản của cố Tổng thống Nelson Mandela, ông B.Obama bất ngờ dừng lại để bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro. Đáp lại, nhà lãnh đạo Cuba Castro cũng nhẹ nhàng mỉm cười và bắt tay ông B. Obama. Cử chỉ này của lãnh đạo hai quốc gia “thù địch” đã khiến dư luận quốc tế hết sức bất ngờ. Đây là cái bắt tay lịch sử thứ hai giữa các nhà lãnh đạo hai nước kể từ khi Cuộc cách mạng Cuba diễn ra vào năm 1960.

Dấu hiệu tan băng
Những tuyên bố thù địch, vốn là đặc trưng của mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng chỉ cách nhau 140km đường biển, không quá xa lạ trong đời sống chính trị quốc tế hơn nửa thế kỷ qua. Kể từ năm 1961, Mỹ áp dụng các chính sách bao vây cấm vận ngặt nghèo với Cuba. Theo ước tính, chính sách cấm vận này đã khiến nền kinh tế của La Habana thiệt hại hơn 1.100 tỷ USD. Sự bao vây phong tỏa cũng khiến người dân Cuba, đặc biệt là trẻ em, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế để chữa bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, không khó để nhận ra rằng cả hai bên đang kín đáo bày tỏ thái độ xích lại gần nhau. Biểu hiện cụ thể nhất là cách hành xử khéo léo và thận trọng trước rắc rối của đối phương. Trong khi căng thẳng ngoại giao bùng phát giữa Mỹ và một số quốc gia khác liên quan đến vấn đề tị nạn cho Edward Snowden, người tiết lộ các thông tin tình báo mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, thì Cuba đã khéo léo từ chối không cấp quy chế tị nạn cho nhân vật này. Tiếp đó, Mỹ và Cuba cũng chọn giải pháp im lặng để xử lý vụ việc một tàu chở hàng của CHDCND Triều Tiên chở vũ khí của Cuba qua Panama vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Điều này trái ngược trong quá khứ khi có những sự kiện tương tự diễn ra.

Những bước đi đầu tiên biến cựu thù thành đối tác
Thực tế kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống B.Obama cam kết đối thoại với tất cả các nước đối thủ. Ông B.Obama đã có nhiều điều chỉnh để làm dịu bớt căng thẳng với La Habana như dỡ bỏ hạn chế số tiền gửi và số lần về thăm quê hương của kiều dân Cuba, cho phép nối lại đàm phán về dịch vụ thư tín và di cư. Đầu năm nay, Mỹ đã cho phép một điệp viên tình báo của Cuba bị kết tội được trở về nước. Mỹ cũng hết sức hoan nghênh vai trò của Cuba trong việc tổ chức các cuộc hòa đàm giữa lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia với chính quyền Colombia. Chính điều này làm dấy lên những đồn đoán rằng Washington có thể sẽ đưa La Habana ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Gần đây, tháng 10/2013, sau khi 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua, Tổng thống B.Obama cũng tuyên bố Mỹ sẽ thay đổi chính sách với Cuba.

Kể từ khi lên nắm quyền thay anh trai là Chủ tịch Fidel Castro vào năm 2008, nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro đã giành được nhiều uy tín với dấu ấn là một nhà lãnh đạo cải cách. Tiến trình cải cách được Chủ tịch Raul thúc đẩy mạnh mẽ những năm gần đây như mở cửa thị trường, hợp nhất hệ thống tiền,… tạo nên một diện mạo mới cho đất nước mang biểu tượng tự do bên bờ Caribean. Công cuộc cải cách kinh tế được kỳ vọng sẽ không chỉ thổi một luồng sinh khí mới, mang lại triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế Cuba mà còn mở ra cơ hội mới trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là với Mỹ. Tất cả những động thái cải cách này đều được Mỹ theo dõi sát sao. Ngoài ra, trên thực tế, chính lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt cách đây hơn 50 năm đang gây ra không ít rào cản cho quan hệ thương mại giữa Mỹ với với các quốc gia trong khu vực.

Vẫn chưa thể kết luận cử chỉ thân thiện giữa Tổng thống B.Obama và Chủ tịch R.Castro có dẫn tới việc phá băng quan hệ Mỹ-Cuba hay không. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi bản thân Tổng thống B.Obama cũng đang phải chịu nhiều áp lực và chỉ trích khi tìm kiến một sự đột phá trong quan hệ với Iran, chính sách cải thiện quan hệ với Cuba rất có thể chỉ dừng lại ở những bước đi đầu tiên như hiện nay. Nhiều khả năng, Tổng thống B.Obama sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội Mỹ, nơi mà các thượng nghị sỹ đều kiên quyết giữ quan điểm cho rằng Mỹ chỉ nên xây dựng mức quan hệ giới hạn với Cuba. Kế hoạch tìm kiếm dấu ấn riêng trong nhiệm kỳ của mình là biến cựu thù thành đối tác của Tổng thống B.Obama rất có thể sẽ là dang dở./.

Phản hồi

Các tin/bài khác