Hội họa hiện thực: luôn là tiếng nói của đương đại

(VOV5) - " Không phải vẽ thế này hay thế kia mới là đương đại, bởi không nên quên rằng bất kỳ bức tranh nào lúc ra đời đều là đương đại."

Trong chương trình Art talk "Tại sao vẽ hiện thực" với hai diễn giả họa sỹ Trịnh Lữ và họa sỹ Phạm Bình Chương tại Bảo tàng mỹ thuật vừa qua, hai họa sĩ đều có tiếng trong giới hội họa, tuổi đời cách nhau cả thế hệ, đã chia sẻ những câu chuyện liên quan đến chủ đề vẽ tranh hiện thực và những nhận thức về hội họa hiện thực.

Từng là một họa sĩ thành danh với nhiều lối vẽ khác nhau trước đây, từ trừu tượng, biểu hiện, hay tìm tòi theo lối vẽ dân gian đương đại, nhưng, như họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: “đấy dường như là chính mình tự khoác lên”, bởi khi trở lại “vẽ thử” hiện thực, thì "dần dần mới nhận ra hình như đó là cách vẽ mà mình thoải mái nhất, và mình vui nhất, thậm chí là những bức tranh mình ngắm lâu nhất. Và bây giờ đã hơn 20 năm, câu trả lời vẫn là: Không biết tại sao mình vẽ hiện thực."

Hội họa hiện thực: luôn là tiếng nói của đương đại - ảnh 1Họa sĩ Trịnh Lữ và họa sĩ Phạm Bình Chương (phía sau là tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương tại triển lãm Hiện thực+, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam) - Nguồn ảnh: Fb họa sĩ Phạm Bình Chương.
Trả lời câu hỏi: tại sao trong thời đại 4.0, kỷ nguyên số phát triển, nhưng các họa sĩ vẫn có nhu cầu vẽ những gì mình nhìn thấy; và nhu cầu vẽ tranh hiện thực vẫn tồn tại? Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ những lầm tưởng trong hiểu và nhận thức về nghệ thuật hội họa, đã được đính chính, giải thích trong những trước tác nổi tiếng của các nhà nghiên cứu nghệ thuật trên thế giới.

Ông nói: “Từ xưa đến giờ mọi người hay tìm hiểu nghệ thuật qua con đường lịch sử. Như cuốn Câu chuyện nghệ thuật của Ernst Hans Gombrich, tác giả nói rằng: cái "tội" của những người viết lịch sử nghệ thuật, là khiến cho người đọc cứ nghĩ rằng nghệ thuật phải như thế, phải từ cái này đến cái kia, cái này qua rồi cái khác thay thế…, làm cho người ta sa vào một tâm lý: Nếu mình không làm cái gì khác đi, thì mình lạc hậu, mình sẽ không còn đứng được trong lịch sử phát triển nghệ thuật nữa. Đấy cũng là một hệ lụy rất nặng nề. Bây giờ phần lớn người ta xem tranh, đọc sách cốt để nhận ra họa vẽ theo kiểu gì, trường phái nào…, và không có được cảm giác tự nhiên của một người một mình trực tiếp với những bức tranh.

Tôi muốn bảo vệ cho cách tiếp cận nghệ thuật một cách hồn nhiên, chân thực nhất của từng cá nhân, ở mỗi cá nhân có một cách nhìn riêng của mình. Và bất kỳ một sự thích thú hay một sự khó chịu nào của bất cứ một ai đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, đều rất chính đáng…Vì đây không phải một thứ hàng hóa bình thường.” - Họa sĩ Trịnh Lữ nói.

Hội họa hiện thực: luôn là tiếng nói của đương đại - ảnh 2Quang cảnh buổi tọa đàm - Nguồn ảnh: Fb họa sĩ Phạm Bình Chương
Theo họa sĩ Trịnh Lữ, đằng sau câu hỏi Tại sao vẽ hiện thực, lại là câu hỏi Tại sao vẽ? Dẫn chứng từ những bích họa cổ xưa được coi là khởi đầu của nền nghệ thuật hiện đại, là hình ảnh những con bò được người nguyên thủy vẽ một cách nghệ thuật trong hang động Alta Mira, Tây Ban Nha, thì “tại sao vẽ” được giải thích bởi nguồn gốc có tính cách tâm lý học: con người muốn thể hiện lại thế giới mà họ đã thấy, đã sống, đã cảm nhận.
Con người luôn sống với hai thế giới bên ngoài và nội tâm bên trong của mình (theo cách nói phương Đông là nội giới và ngoại giới). Hai thế giới đó có khác biệt rõ rệt: Nếu thế giới bên ngoài tồn tại trong không gian, có xa gần, trên dưới…,  thì thế giới nội tâm chỉ tồn tại theo thời gian, ở trong cảm nhận, trong tâm nhận biết của chính mình. Và sự lựa chọn thể hiện cách vẽ nào do người nghệ sĩ quan tâm đến nội giới hay ngoại giới, mà đã được giải thích sâu sắc trong bộ sách Tâm lý học Nghệ thuật của André Malraux.
“Vẽ xuất phát từ tình yêu. Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình, lý do của nó là tình yêu, tình cảm, chứ không phải là lý trí, toan tính, đi tìm một lý thuyết" - Trịnh Lữ 

"Cái nhìn thấy trong tâm tưởng mới là cái mình vẽ ra. Cái mình nhìn thấy nó rất khác với những gì tồn tại khách quan ở ngoài kia. Nó bị quy định bởi những kinh nghiệm sống của mình, những quá khứ của mình. Mỗi người nhìn thấy một bông hoa đều có những hình ảnh rất khác riêng của mình. Nên 100 họa sĩ ngồi vẽ cùng 1 mẫu vẫn ra 100 bức tranh khác nhau.

Vì vậy nếu nói là vẽ hiện thực, thì đừng hiểu đó là hiện thực khách quan, và mình chỉ có nhiệm vụ copy lại, không copy lại được đâu. Vì cái mình ghi lại, nó không phải là cái khách quan ngoài kia nữa…" - Ông khẳng định.

Vì vậy, họa sĩ Trịnh Lữ nói: Hội họa hiện thực, hiểu đúng nghĩa là "sản phẩm ra đời từ nhận thức của người họa sĩ đối với hiện thực bên ngoài cũng như xung quan hiện thực nội giới của mình, ghi lại được hình ảnh đó trong tâm thức của mình mà thôi. Nên tất cả là hiện thực nhưng là hiện thực sinh động từ ngoại đến nội, bao gồm cả bên ngoài lẫn bên trong, trình bày lại cái mà người họa sĩ nhận thấy ở bên ngoài thông qua nhãn quan của anh ta, biến nó thành những biểu tượng, biến nó không những là những hình ảnh khách quan mà chứa đựng tâm thức của người họa sĩ. Như thế khuynh hướng vẽ hiện thực bên ngoài rõ ràng sẽ không bao giờ mất, không bao giờ lạc hậu. Không phải vẽ thế này hay thế kia mới là đương đại, bởi không nên quên rằng bất kỳ bức tranh nào lúc ra đời đều là đương đại.

Vì thế nhiều người chưa học vẽ gì mà đã thấy phải vẽ trừu tượng, vẽ cái này cái kia thì mới có chỗ đứng được trong đời sống nghệ thuật này. Tôi nghĩ đấy là một sai lầm rất ấu trĩ. Điều đó lan tỏa quá nhiều, làm cho nhiều người vẽ trăn trở: liệu mình có lạc hậu hay không?. Các bạn hãy sống đúng là mình. Và mình yêu cuộc đời như thế nào thì mình vẽ như thế. Đấy là lý do chính đáng, không bao giờ lạc hậu của nghệ thuật hội họa hiện thực.." - Họa sĩ Trịnh Lữ nói.

Họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ thêm một định nghĩa về nghệ thuật đương đại của NXB Tasken: "Trước đây mình cứ nghĩ "đương đại" nó phải là cái gì đó mới và vv... nhưng không phải: Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật tồn tại 20 năm tính từ thời điểm nó ra đời cho đến thời điểm hiện tại. Đương đại mang tính thời gian. Và mỗi thời gian lại có tâm thế riêng của thời đấy. “
Hội họa hiện thực: luôn là tiếng nói của đương đại - ảnh 3Hai diễn giả trò chuyện tại cuộc tọa đàm Tại sao vẽ hiện thực - Nguồn ảnh: Fb họa sĩ Phạm Bình Chương.

Nói như họa sĩ, dịch Trịnh Lữ, thì: “Vẽ xuất phát từ tình yêu. Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình, lý do của nó là tình yêu, tình cảm, chứ không phải là lý trí, toan tính, đi tìm một lý thuyết…Nghệ thuật là lĩnh vực về tình cảm, nó không phải khoa học.

Nếu anh vẽ với một tình yêu cuộc sống rất giản dị, trong sáng, thì cái đẹp thuyết phục mình bởi bản thân nó đã làm cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở, có những vẻ đẹp riêng của nó”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác