“Hà nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh

(VOV5) - Hà Nội đã có “Phố Phái” – liêu xiêu như những vần thơ u ẩn. Hà Nội giờ lại có “Phố Linh” – tung tăng như những khúc hát đồng dao.”

Nghe câu chuyện của họa sĩ Trịnh Lữ tại đây:

 Hà Nội Tôi Yêu - Cuốn sách khiến Hoạ sỹ Ngọc Linh trở lại tuổi 60 nhân dịp sinh nhật 93 tuổi mụ của mình.
"Có lẽ trong toàn bộ sự nghiệp hội hoạ của Ngọc Linh, bộ tiểu hoạ này là tiêu biểu nhất cho bản chất mà tôi gọi là “dân gian đương đại” của ông" - Hoaj sĩ Trịnh Lữ

Cuốn sách này thực sự đặc biệt. Thứ nhất: Nó trưng bày 134 bức tranh phong cảnh và phố xá Hà Nội của Hoạ sỹ Ngọc Linh, vẽ trong năm 1991, ở tuổi 60 còn rất sung mãn trong sự nghiệp hội hoạ của mình, mà đến giờ mới chính thức ra mắt công chúng. Thứ hai: Những bức tranh này đều được Ngọc Linh trực hoạ bằng sơn dầu, vẽ trên những tờ vé số tiết kiệm cỡ 7 X 10 cm, với bộ đồ vẽ bé xíu mà đầy đủ bút, màu, dầu pha… để gọn trong cái giỏ nhựa trước tay lái chiếc xe đạp mini của ông. Thứ ba: loạt tranh này chính là nguồn hứng khởi sâu đậm và tư liệu độc đáo để Ngọc Linh sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm “Hà Nội Tôi Yêu” được công chúng và giới phê bình tưởng thưởng nhiệt liệt hồi 1995. Tóm lại, sách này giống như một triển lãm cho bộ tiểu hoạ gốc, mà người xem có thể lưu giữ để thưởng thức ở bất kỳ đâu, theo ý mình.

“Hà nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh - ảnh 1

Tác giả Mai Thục đã may mắn ghi được lời của Hoạ sỹ Ngọc Linh giải thích tại sao lại có bộ tiểu hoạ này: “Hồi ấy cháu ngoại Nguyễn Hồng Anh mười bốn tuổi của mình học trường Quang Trung, quen mẹ bạn bán xổ số tiết kiệm in trên giấy luạ, một mặt in hình ảnh các thiếu nữ đẹp Hà Nội. Cháu mang về mấy cái vé, hỏi ‘Ông ơi! Ông có thích cái này không?’ Hoạ sỹ nhìn thấy giấy lụa thì quá thích. Mình bảo “Xin cho ông một trăm tờ.” Mình đóng những tấm vé số ấy thành quyển vẽ, đạp xe quanh phố, thấy chỗ nào yêu mến thì vẽ. Vẽ sơn dầu. Vẽ chơi. Nhưng càng vẽ càng thấy mê, vẽ luôn vào cả hai mặt tờ xổ số, vẽ chồng lên cả hình thiếu nữ, chỉ giữ lại một số cô mình thích.”

Thật đúng chất Ngọc Linh. Cái gì yêu mến thì vẽ. Vẽ như chơi. Mà càng vẽ càng mê. Hà Nội may mắn có một Hoạ sỹ như ông. Hình như chỉ có ông, với một tâm thức sáng tạo tươi trẻ tràn đầy tình yêu cuộc sống, mới nhìn và vẽ Hà Nội như ở bộ tiểu hoạ này. Bạn đọc cứ ngắm từng bức mà xem. Đừng nghe ai phê với bình gì cả. Chả ai nhờ người khác mô tả một mỹ nhân đang đứng ngay trước mặt mình bao giờ :))). Tôi cam đoan rằng chả cần phải hiểu biết gì về hội hoạ bạn cũng sẽ xúc động trước những bức tiểu hoạ lạ lùng này. Vì chúng có vẻ đẹp ngây thơ mà sâu nặng, trong sáng mà thâm trầm, kỹ lưỡng mà phóng khoáng, với những bất ngờ khiến bạn phải bật cười sung sướng. Ví dụ như đúng là Chợ Đồng Xuân rõ ràng mà lại như đền đài; Tháp Hoà Phong thì chạy sang đường đứng ngay cạnh Bách Hoá Tổng Hợp… Mà chả chướng tí nào. Chỉ thấy vui và yêu ơi là yêu.

“Hà nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh - ảnh 2

Với tôi, có lẽ trong toàn bộ sự nghiệp hội hoạ của Ngọc Linh, bộ tiểu hoạ này là tiêu biểu nhất cho bản chất mà tôi gọi là “dân gian đương đại” của ông. Ngay từ hồi thiếu niên theo học Mỹ thuật khoá kháng chiến, thầy Tô Ngọc Vân đã nhận ra tư chất quí hiếm ấy, và đặc cách không gò ép cậu trai tung tăng vẽ này vào khuôn phép kinh viện, nên ta mới có Hoạ sỹ Ngọc Linh một mình một kiểu như bây giờ.

Hà Nội đã có “Phố Phái” – liêu xiêu như những vần thơ u ẩn. Hà Nội giờ lại có “Phố Linh” – tung tăng như những khúc hát đồng dao.

“Hà nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh - ảnh 3

Cái đáng yêu nữa ở đây là thế này: ở tuổi 60, Ngọc Linh nổi hứng vẽ bộ tiểu hoạ này là nhờ có cô cháu Hồng Anh xin cho 100 tấm vé số giấy lụa; còn bây giờ, ở tuổi 93, ông có được cuốn sách trưng bày bộ tranh ấy là nhờ cô cháu nội Huyền Linh có nghề thiết kế đồ hoạ tự tay làm cho ông.

Còn tôi thì may mắn được gia đình ông cho chấp bút mấy lời giới thiệu này. Tôi nghĩ lời lẽ thế là đủ rồi. Bạn đọc giở trang ngắm tranh nhé. Tôi cam đoan là bạn sẽ nhận được nguồn cảm hứng tươi trẻ đẹp đẽ của ông, và thấy một Hà Nội đẹp như trong cổ tích.

À mà còn thế này nữa: 134 bức tranh thì có những 80 bức vẽ trong quận Hoàn Kiếm – Hoạ sỹ đúng là giai phố cổ, chỉ quen đi chơi Bờ Hồ :))). Thế mà Ông lại là người Tày, cội rễ núi cao rừng thẳm, chắc hẳn phải có huyết mạch lam tuyền nên mới có thể thành lãng tử nhìn chốn kinh kỳ với con mắt và con tim tự do phóng khoáng dân giã yêu đời mà vẫn cao sang như vậy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác