Iran coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam

(VOV5) - Những năm gần đây, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam- Iran đã tạo ra những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương giữa hai nước. Đại sứ Ebrahim Rahimpour, Thứ trưởng ngoại giao Iran phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thăm Việt Nam và họp Tham vấn chính trị định kỳ lần thứ sáu với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội từ 16/3-18/3 khẳng định Iran coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam đồng thời mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong một số lĩnh vực như thương mại, thủy sản, nông nghiệp… Đây cũng là nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour với phóng viên Đài TNVN.


Iran coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam - ảnh 1
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ibrahim Rahimpour nhân dịp Thứ trưởng thăm Việt Nam và họp Tham vấn chính trị định kỳ lần thứ 6 với Bộ Ngoại giao từ ngày 16-18/3. Ảnh: VGP



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Phóng viên:
Thưa ông, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông có tham dự cuộc họp tham vấn chính trị định kỳ. Ông cho biết đôi nét về kết quả cuộc trao đổi này giữa hai nước?

Ông Ebrahim Rahimpour: Tôi đến tham dự kỳ họp tham vấn chính trị lần thứ 6 với Bộ Ngoại giao Việt Nam lần này là để tìm ra những giải pháp cũng như gỡ bỏ những khó khăn, rào cản trong mối quan hệ hợp tác của hai bên Iran và Việt Nam. Cuộc họp này tổ chức thường kỳ mỗi năm một lần. Tại đây, hai bên điểm qua những hoạt động đã thực hiện trong một năm qua và đưa ra những giải pháp phù hợp về những vấn đề cần giải quyết.

Trong cuộc họp tham vấn chính trị diễn ra tại Hà Nội dịp này, tôi và người đồng cấp của tôi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thảo luận vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế giữa hai bên. Chúng tôi đã đưa ra một loạt danh sách cần hợp tác và thúc đẩy những chuyến thăm cấp cao năm 2015 cũng như thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định cũng như các biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai bên. Chiều 16/3/2015, chúng tôi cũng đã cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân của Việt Nam và chúng tôi đã đề cập các khả năng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như là trao đổi học bổng, trao đổi các nhà khoa học, các chương trình đào tạo nhân lực giữa hai bên trong năm 2015.

Phóng viên: Những năm gần đây, Việt Nam và Iran đã có nhiều chuyến thăm của lãnh đạo hai bên. Qua các chuyến thăm này, có tạo được bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước không, thưa ông?

Ông Ebrahim Rahimpour: Thứ nhất, việc trao đổi các đoàn cấp cao để tìm hiểu và nâng cao sự hiểu biết giữa hai quốc gia. Thứ hai là tìm ra các giải pháp để giải quyết những khó khăn trong hợp tác song phương và đưa ra đề xuất giữa hai bên. 

Ở bất kỳ một quốc gia nào, trong hợp tác song phương hay đa phương đều có một loạt danh sách để trao đổi. Đối với Việt Nam, chúng tôi mới chỉ trao đổi ở mức trung bình. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau chuyến thăm, chúng ta sẽ thực hiện những biên bản hợp tác mà hai bên đã ký kết.

Chúng tôi cho rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á. Đầu tàu cho nền kinh tế của châu Á thế kỷ XXI là Trung Quốc.  Ấn Độ cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các nước Đông Nam Á có thể kể đến Việt Nam. Iran rất quan tâm đến các chính sách hướng Đông, tức là hướng về các nước châu Á. Đây cũng là cơ hội lớn để Iran mở rộng hợp tác.

Hiện nay, con số kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Iran với các quốc gia châu Á là 60% tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Iran và các quốc gia khác. Nếu cuộc đàm phán hạt nhân của chúng tôi thành công và lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ thì tỉ trọng kim ngạch sẽ được nâng cao nhiều hơn so với thời gian trước.

Phóng viên: Theo ông, hai nước cần đưa ra những phương thức như thế nào để tăng cường hợp tác hơn nữa trong một số lĩnh vực như kinh tế, thương mại, thủy sản, nông nghiệp, v.v

Ông Ebrahim Rahimpour: Trong kỳ họp lần này, chúng tôi cũng cùng với phía Việt Nam đưa ra một số đề xuất về các lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác trong năm 2015. Hiện nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của hai nước là gần 200 triệu USD. Đây là một con số còn khá khiêm tốn. Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD.

Diện tích của đất nước Iran gấp 5 lần diện tích của Việt Nam. Dân số của Việt Nam thì lại lớn hơn dân số Iran một chút. Tuy nhiên hai thị trường Iran – Việt Nam hoàn toàn là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau. Từ Iran, Việt Nam có thể vươn tới các thị trường trong khu vực. Và Iran cũng vậy.

Phóng viên: Thưa ông, nước cộng hòa hồi giáo Iran đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Iran như thế nào?

Ông Ebrahim Rahimpour: Sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình học bổng của Iran. Iran cũng đã tạo điều kiện hết sức theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, đối với kiều bào cũng như các sinh viên Việt Nam cũng được thụ hưởng sự an ninh, an toàn khi ở đất nước Iran. Về điều kiện vật chất, ngoài thủ đô Teheran, ở các thành phố khác, cuộc sống rất phù hợp cho bà con kiều bào cũng như sinh viên Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Iran sẽ ngày càng phát triển toàn diện và bền vững./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác