NATO sau 75 năm ký Hiệp ước thành lập

(VOV5) - Trong vòng 10 năm, từ 1999 đến 2009, NATO đã kết nạp thêm 12 thành viên ở Trung Âu, Đông Âu và Balkan. 

Ngày 4/4/1949, tại thủ đô Washington (Mỹ), 12 quốc gia phương Tây ký thỏa thuận thành lập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau 75 năm tồn tại, NATO hiện vẫn là khối quân sự lớn nhất thế giới, có vai trò và tác động lớn đến cục diện an ninh toàn cầu.

NATO sau 75 năm ký Hiệp ước thành lập - ảnh 1Cờ của các nước thành viên NATO. Ảnh: AP

75 năm sau ngày ra đời, NATO hiện nay không chỉ tăng mạnh số lượng quốc gia thành viên (32 nước) mà còn đang ngày càng thể hiện tham vọng vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài không gian Đại Tây Dương truyền thống.

Mở rộng quy mô và tham vọng

Vào ngày 04/04/1949, tại thủ đô Washington (Mỹ), Tổng thống Mỹ, Harry Truman cùng lãnh đạo Canada và 10 quốc gia châu Âu, gồm: Pháp, Anh, Italy, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Bồ Đào Nha ký thỏa thuận thành lập liên minh quân sự đầu tiên giữa các quốc gia nằm ở hai bờ Đại Tây Dương. Đến tháng 9 năm đó, Hiệp ước chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế thời điểm đó, khi thế giới vừa trải qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 tàn khốc và chuẩn bị bước vào Chiến tranh Lạnh, việc thành lập NATO được xem là một bước ngoặt lịch sử đối với khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Trong vòng 6 năm sau khi ra đời, NATO lần lượt kết nạp thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp (1952) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) vào năm 1955.

NATO sau 75 năm ký Hiệp ước thành lập - ảnh 2Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO. Ảnh: Daily Messenger

Quy mô của NATO gia tăng nhanh chóng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, với việc đưa ra chiến lược Đông tiến để kết nạp một loạt các quốc gia Trung và Đông Âu vốn thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước kia. Trong vòng 10 năm, từ 1999 đến 2009, NATO đã kết nạp thêm 12 thành viên ở Trung Âu, Đông Âu và Balkan. Tiến trình mở rộng này ghi nhận bước ngoặt mới sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, với việc 2 quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập hàng thế kỷ để gia nhập NATO, nâng tổng số thành viên của liên minh quân sự lên 32.

Theo Robert Benson, chuyên gia phân tích chính trị tại Trung tâm vì tiến bộ Mỹ (CAP), việc NATO quy tụ được hầu hết các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó có nhiều quốc gia từng có quá khứ đối địch, vào chung một liên minh chính trị-quân sự có tính ràng buộc cao nhất thông qua điều 5 của Hiệp ước về “phòng thủ tập thể”, chính là thành tựu lịch sử lớn nhất của khối này: “Lịch sử của châu Âu là lịch sử của những xung đột liên miên, cho đến tận khi NATO được thành lập 75 năm trước, vào năm 1949. Từ đó, một nền hòa bình tương đối bền vững được duy trì tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Do đó, tôi nghĩ đây chính là thành quả lịch sử lớn hơn bất cứ điều gì khác của NATO”.

Cùng với việc tăng số lượng thành viên gấp gần 3 lần so với khi thành lập, NATO cũng gia tăng tham vọng, đặc biệt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đối trọng chính của NATO là khối Hiệp ước Warsaw giải thể. Việc NATO mở chiến dịch quân sự tại Nam Tư (1999) hay tham chiến tại Iraq, Afghanistan, Syria tạo ra rất nhiều tranh cãi ngay trong chính nội bộ NATO về nguyên tắc “phòng thủ” và không gian hành động của khối quân sự này. Ngày nay, với việc chiếm 70% ngân sách quốc phòng toàn cầu, NATO tiếp tục là khối quân sự lớn nhất thế giới và việc NATO có ý định mở rộng các quan hệ đối tác an ninh ra ngoài không gian địa lý truyền thống ở châu Âu-Đại Tây Dương đang tạo nên những lo ngại nhất định từ nhiều quốc gia về sự mất cân bằng của cục diện an ninh toàn cầu.

NATO và sự bất an từ chính trường Mỹ

Là cường quốc quân sự lớn nhất trong NATO và đóng góp gần 2/3 ngân sách hoạt động của liên minh, Mỹ là quốc gia có tiếng nói quyết định trong của NATO. Do đó, bất cứ thay đổi nào về chính sách đối ngoại và an ninh của các chính quyền Mỹ đều có tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của NATO. Theo Nicholas Lokker, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), Tổng thống Mỹ hiện nay, Joe Biden, là một chính trị gia theo chủ nghĩa Đại Tây Dương điển hình nên rất coi trọng vai trò của NATO. Tuy nhiên, Nicholas Lokker cho rằng các đồng minh NATO của Mỹ có thể sẽ bất an về tương lai của khối quân sự này nếu cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.

Chuyên gia của CNAS cho rằng mối lo ngại này hoàn toàn dễ hiểu bởi trong nhiệm kỳ trước (2016-2020), ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích tổ chức của NATO cũng như một số thành viên chủ chốt của khối, liên quan đến việc đóng góp tài chính cho NATO. Trong giai đoạn tranh cử gần đây, ông Donald Trump cũng tiếp tục có nhiều tuyên bố khiến các đồng minh NATO lo ngại về việc Mỹ có thể từ bỏ một số cam kết an ninh với NATO nếu ông Trump thắng cử. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rất khó đoán định và trong bối cảnh an ninh toàn cầu có nhiều bất ổn như hiện nay, vai trò của NATO vẫn vô cùng cần thiết với chính nước Mỹ. Ngoài ra, theo Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, tướng Rob Bauer, xét trên một số khía cạnh, việc cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump yêu cầu các quốc gia thành viên NATO gia tăng ngân sách quốc phòng là điều hợp lý: “Liên minh đã trải qua một vài giai đoạn có nhiều thách thức trong lịch sử. Với Tổng thống Trump, các bình luận của ông ấy trước hết không phải là chống lại NATO mà là để phản đối các quốc gia, như ông ấy nói, là đã không đóng góp đủ cho NATO. Tôi nghĩ các chỉ trích của ông ấy rằng các nước châu Âu và Canada cần phải làm nhiều hơn cho quốc phòng của chính họ là chính xác”.

Theo các số liệu của NATO, hiện hầu hết các nước thành viên của khối đã có lộ trình rõ ràng về việc đạt mục tiêu dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Ngoài ra, từ 2014 đến nay NATO đã có thêm 600 tỷ USD đóng góp từ Canada và các thành viên ở châu Âu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác