Hội nghị An ninh Munich: sứ mệnh đầy thách thức

(VOV5) - Diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới đứng trước nhiều thách thức, MSC 59 tập trung thảo luận nhiều nghị sự trọng tâm, mang tính thời sự toàn cầu.

Hôm nay (17/2), Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 (MSC 59) khai mạc tại thành phố Munich của Đức với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu, Bộ trưởng quốc phòng và nhiều quan chức an ninh, tình báo quốc tế. Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, MSC 59 được kỳ vọng tìm ra giải pháp giúp tái lập sự ổn định toàn cầu, loại trừ các rủi ro và mối đe dọa đối với an ninh thế giới trong tương lai.  

Hội nghị An ninh Munich: sứ mệnh đầy thách thức - ảnh 1MSC lần thứ 59 dự kiến diễn ra từ 17-19/2. Nguồn: MSC

Được tổ chức thường niên từ năm 1963, Hội nghị An ninh Munich dù không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược cũng như không có năng lực giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra với thế giới, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các nhà lãnh đạo, các thực thể và các tổ chức quốc tế tiến hành đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, hóa giải căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ,… nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Năm nay, diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới đứng trước nhiều thách thức, đứng đầu là xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, MSC 59 tập trung thảo luận nhiều nghị sự trọng tâm, mang tính thời sự toàn cầu.

Những nghị sự trọng tâm

Trước giờ khai mạc Hội nghị, Đại sứ Christoph Heusgen, Chủ tịch MSC 59, cho biết trung tâm của các cuộc thảo luận tại MSC 59 xoay quanh các câu hỏi, như: thế giới hiện nay ra sao sau gần một năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine? Liệu chúng ta có đang sống trong một thế giới của bùng phát bạo lực?

Trong khi đó, Tờ DW (Đức) cùng nhiều nguồn tin quốc tế khác nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại MSC, bởi thực tế này giáng đòn mạnh vào MSC - sự kiện vốn có nhiệm vụ góp phần giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. Năm 2022, chỉ vài ngày sau khi MSC 58 bế mạc, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với quy mô mà các cường quốc châu Âu cho là lịch sử. Hơn thế, cho đến hiện tại, nội bộ phương Tây vẫn đang có sự chia rẽ rõ ràng về cách tiếp cận với cuộc xung đột, bao gồm cả vấn đề trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine.  

Một nghị sự quan trọng khác cũng được tập trung bàn luận trong 3 ngày diễn ra MSC 59 (17-19/2) là vấn đề tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, các nhà lãnh đạo và quan chức tham gia Hội nghị sẽ thảo luận về: khả năng của NATO trong việc duy trì sự đoàn kết trong dài hạn; vấn đề chia rẽ Đông - Tây ngày càng rõ ràng; vấn đề mở rộng liên minh để bao gồm cả Thụy Điển và Phần Lan. Ngoài ra, đơn xin gia nhập NATO của Ukraine có thể cũng sẽ được thảo luận nhưng được dự báo sẽ không dẫn đến bất kỳ quyết định nào trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, MSC 59 cũng thảo luận hàng loạt vấn đề thời sự nổi cộm khác liên quan đến an ninh toàn cầu, như: chi tiêu quốc phòng, quan hệ với Trung Quốc, năng lượng và khí hậu, công nghệ và an ninh mạng…

Thách thức và giải pháp

Nhiều nguồn tin quốc tế cho biết một báo cáo của Ban Tổ chức MSC 59 được công bố trước khi sự kiện diễn ra đã nêu bật những nguy cơ từ thực tế chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các thể chế, đồng thời kêu gọi tái cấu trúc một tầm nhìn an ninh mới trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, theo quan điểm của Chủ tịch Christoph Heusgen, thách thức trực tiếp mà châu Âu đang phải đối mặt là tìm lý do để tăng cường đối thoại. Đặc biệt, Chủ tịch MSC 59 nêu đích danh trong báo cáo MSC 59 rằng: Cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động trực tiếp đến đối thoại giữa các bên, ảnh hưởng tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng: MSC 59 nhận thức rất rõ các thách thức cũng như sự cần thiết phải tiến hành tái cấu trúc an ninh quốc tế cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong bài viết về MSC 59, tờ DW bình luận "Các nhà lãnh đạo thế giới có thể không đồng quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng chắc chắn, phần lớn trong số họ sẽ đồng tình về việc thế giới đang bước vào một thập kỷ quan trọng trong cuộc tái cấu trúc trật tự thế giới".

Tuy nhiên, tái cấu trúc an ninh quốc tế như thế nào lại là một câu hỏi lớn. Cấu trúc an ninh đó phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trên phạm vi toàn cầu. Thêm nữa, về bản chất, an ninh toàn cầu gắn liền với nhiều vấn đề, bao gồm sự thịnh vượng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột lợi ích quốc gia... Vì vậy, đối thoại và hợp tác cần được coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu trong mọi giải pháp mà MSC 59 hướng tới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác