Tôn vinh Takano Isao – Nhà báo Nhật Bản yêu Việt Nam

(VOV5) - Nhà báo Takano đã có 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam kể từ năm 1967.

Sáng 08/03, tại Hà Nội, khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tổ chức tọa đàm chủ đề “Takano – Nhân chứng quả cảm”, nhằm tưởng nhớ nhà báo ông Takano Isao, một nhiếp ảnh gia, nhà báo Nhật Bản, dịch giả văn học Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông (07/03/1979 – 07/03/2019).

Tôn vinh Takano Isao – Nhà báo Nhật Bản yêu Việt Nam - ảnh 1

Nhà báo Takano (đeo kính, hàng đầu) cùng các đồng nghiệp trong thời gian ở Việt Nam.

Nhà báo Takano đã có 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam, từ năm 1967. Tháng 02/1978, trong vai trò đặc phái viên, phóng viên báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, ông có mặt tại mặt trận Lạng Sơn ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam. Ngày 07/03/1979, nhà báo Takano hy sinh khi đang tác nghiệp tại chiến trường, phản ánh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân Việt Nam.

Tôn vinh Takano Isao – Nhà báo Nhật Bản yêu Việt Nam - ảnh 2 Nhà báo Takano (đeo kính) tại chiến trường biên giới phía Bắc Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết: “ÔngTakano là cựu sinh viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt khóa 1967 – 1971. Ông là người có thể kết nối nền văn hóa Nhật – Việt bởi ông chính là người đã giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như tiểu thuyết Áo trắng, truyện ngắn Mẹ vắng nhà sang tiếng Nhật và được tái bản nhiều lần”.

Tôn vinh Takano Isao – Nhà báo Nhật Bản yêu Việt Nam - ảnh 3 Các kỷ vậy của nhà báo Takano (giày, máy ảnh, áo, thắt lưng) được các đồng nghiệp lưu giữ lại sau khi ông hy sinh.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng ôn lại những kỷ niệm về nhà báo Takano sinh thời, xem lại những bức ảnh tư liệu quý giá do nhà báo Takano thực hiện tại Lạng Sơn cũng như thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt Nam nhằm tôn vinh lẽ sống của một nhà báo, sự hy sinh quả cảm, đấu tranh vì lẽ phải của Takano Isao. Nhạc sỹ Phó Đức Phương, tác giả ca khúc “Takano – Nhân chứng quả cảm”, nhớ lại:   “Mặc dù tiếng súng vẫn còn nhưng nhà báo Takano vẫn quyết tâm tiến vào Lạng Sơn để ghi lại những hình ảnh chân thực ở đó, anh ấy đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao của một nhà báo. Sự hy sinh của Takano đã làm chấn động con tim của nhiều người, trong đó có tôi. Ngay sau chuyến đi Lạng Sơn, tôi đã viết bài Takano – nhân chứng quả cảm. Bài hát đó đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm qua phần thể hiện của ca sỹ Vân Khánh”.

Trong khuôn khổ tọa đàm còn diễn ra trưng bày các bức ảnh do nhà báo Takano thực hiện và những hình ảnh kỷ niệm của nhà báo Takano trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác