Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tại Thừa Thiên Huế

(VOV5) - Hội chợ Sách với sự tham gia của hơn 30 đơn vị xuất, bản, phát hành trong cả nước, giới thiệu sách đến đông đảo bạn đọc, du khách trong và ngoài nước.

Tối qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tại Thừa Thiên Huế - ảnh 1Cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, năm 2023. Ảnh: VOV

21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Năm nay, các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, bắt đầu từ hôm qua và kéo dài đến thứ 3 tuần tới tại khuôn viên Quốc Tử Giám, Thành phố Huế, giới thiệu đến bạn đọc và du khách nhiều cuốn sách có giá trị về văn hóa Huế thuộc “Tủ sách Huế”; những thư tịch, tư liệu quan trọng được lưu giữ tại Huế qua nhiều thời kỳ cùng các ấn phẩm độc đáo về Huế, trong đó có 11 cuốn sách cổ do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lưu giữ được ra mắt công chúng. Trong khi đó, Hội chợ Sách với sự tham gia của hơn 30 đơn vị xuất, bản, phát hành trong cả nước, giới thiệu sách đến đông đảo bạn đọc, du khách trong và ngoài nước.

Tại Lễ khai mạc, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và trao 3.000 cuốn sách tặng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, sách cho bạn”; “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới”:Chuỗi hoạt động và các sự kiện chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức ngay tại thành phố Huế cũng như trong những ngày tới khắp mọi miền tổ quốc, sẽ phát huy nét đẹp truyền thống, tôn vinh sách và những người làm sách trong phong trào đọc sách. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng. Các bộ, ngành địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả các phong trào, như: xây dựng văn hóa khuyến học, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người viết sách, đọc sách, đưa văn hóa đọc đến mọi người, mọi nhà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác