Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú – Người lưu giữ nghề làm đàn tính

(VOV5) - Am hiểu rõ về hát then, đàn tính, NNƯT Lương Thiêm Phú đã sưu tầm được 6 trích đoạn then cổ và đặt lời nhiều bài then mới ca ngợi quê hương, đất nước.

Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú, 85 tuổi, ở thôn Chang Nà, Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, hăng say với việc làm lên những cây đàn tính. Ông cũng các nghệ nhân khác kiên trì giữ nghề và nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ, với mong muốn ngày càng có nhiều người biết làm đàn, biết cây đàn tính, điệu hát then của người Tày Bình Liêu.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú – Người lưu giữ nghề làm đàn tính - ảnh 1Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú ngoài 80 tuổi vẫn giữ nghề làm đàn tính. Ảnh: La Ngà - Trung tâm VHTT huyện Bình Liêu
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ nhân Lương Thiêm Phú từ nhỏ đã mê hát Then. Ông mong muốn sở hữu 1 cây đàn, nên sau này đã tìm hiểu và tự làm cho mình một cây đàn để thỏa đam mê hát then. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lương Thiêm Phú chia sẻ: Đàn tính ở Bình Liêu về hình dáng, cấu trúc cơ bản giống đàn ở nhiều địa phương nhưng khi lên dây, cách đánh lại khác biệt. Hai dây đàn tượng trưng cho Trời và Đất. Đầu đàn chạm khắc chim muông, nhất là hình ảnh chim công, có một số đàn chạm khắc hình rồng. Đàn tính Bình Liêu chỉ dùng hai dây từ xưa cho tới bây giờ. Trước thì dùng dây tơ tằm bện lại, giờ hiện đại thì có dây cước bền dai và tiện lợi hơn.

Với đàn tính, bầu đàn được làm từ những quả bầu già, tròn đẹp, vừa phải, kêu đanh để có âm sắc chuẩn. Cần đàn được nghệ nhân làm bằng gỗ boóc láp nhẹ, khi bào không bị cong, vênh. Ông Phú vừa biết hát then vừa thạo ngón đàn tính nên việc chỉnh dây đàn không mất nhiều thời gian, cây đàn nào ông làm xong cũng kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng âm thanh. Hiện nay, ông Phú đã trên 80 tuổi, sức khỏe yếu nên việc làm ra một cây đàn tính với ông khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Có những cây đàn tính mất cả năm trời mới đến tay người đặt hàng nhưng ai cũng hài lòng vì họ tin tưởng chất lượng âm thanh của cây đàn do nghệ nhận Thiêm Phú làm ra. 

Để tiện cho việc làm đàn, ông Phú mở xưởng làm đàn tính tại nhà và chủ yếu làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Với mong muốn giữ được nét văn hóa của của dân tộc Tày, nên ông không đặt nặng về kinh tế... Tuy nhiên, tài nghệ của ông đã vang xa, xưởng đàn của nghệ nhân Thiêm Phú làm không hết việc. Ông Chu Đình Thép, Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Bình Liêu, cho biết: Các nghệ nhân dân gian như ông Lương Thiêm Phú đang dành cả cuộc đời mình cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Lương Thiêm Phú là một trong những người chế tác được rất nhiều đàn tính. Đàn tính của ông làm ra chuyên phục vụ cho các câu lạc bộ hát then đàn tính ở huyện Bình Liêu. Ông còn đóng góp cho huyện nhà nhiều bài then mới ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương, đất nước, nhiều bài then do ông đặt lời đem đi thi ở tỉnh và toàn quốc đã được giải cao. 

Năm 2007, khi 69 tuổi, ông đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hát then Tình Húc. Điều đặc biệt, tất cả các thành viên của Câu lạc bộ đều sở hữu 1 cây đàn tính do ông và các thành viên góp sức cùng làm, để tập luyện.

Am hiểu rõ về hát then, đàn tính, NNƯT Lương Thiêm Phú đã sưu tầm được 6 trích đoạn then cổ và đặt lời nhiều bài then mới ca ngợi quê hương, đất nước và mở lớp dạy then cho hơn 200 học trò đủ mọi lứa tuổi. Ông Dương Ngọc Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cho biết các điệu hát then của địa phương, trong đó có những bài hát của ông Phú, đã được đưa vào phục vụ khách du lịch khi đến với vùng cao Bình Liêu, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc đồng thời nâng cao đời sống cho bà con. Huyện Bình Liêu đã hoàn thành Đề án bảo tồn văn hóa tiêu biểu của người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Cùng với đó, đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Dao, người Sán Chỉ. Nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian, văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được huyện quan tâm trong đời sống, đặc biệt là nghệ thuật hát then đàn tính trong đời sống bà con người Tày là điểm nhấn trong Đề án bảo tồn này.

Giữ nghề ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Lương Thiêm Phú được Chủ tịch nước tặng bằng khen và danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ tháng 4/2019. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn sẵn sàng truyền nghề cho lớp trẻ nếu ai đó có ý định học làm đàn để tiếng tính, lời then vang xa, để nhiều người biết đến cây đàn tính, hát then ở Bình Liêu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác