Việt Nam nỗ lực triển khai thực thi Công ước chống tra tấn

(VOV5) - Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung.

"Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Gọi tắt là Công ước chống tra tấn, hoặc Công ước CAT) vào năm 2015.

Việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn với nhiều giải pháp, trong thời gian gần đây, càng khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán của Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người."

Hiện, nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước CAT đã được Việt Nam nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tố cáo, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự.
 Việt Nam nỗ lực triển khai thực thi Công ước chống tra tấn - ảnh 1Trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc tổ chức Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 cho phạm nhân. Ảnh: VOV

Cùng với đó, hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan đã chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.

Nỗ lực của Việt Nam trong thực thi Công ước

Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung.Việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ; khiếu nại, tố cáo; bào chữa, trợ giúp pháp lý; xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, công chức và viên chức; dân chủ cơ sở; quy tắc đạo đức nghề nghiệp; cải cách tư pháp; cải cách hành chính... đều đã được Việt Nam ban hành các văn bản triển khai.

Trên cơ sở các thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẩn trương tổ chức triển khai áp dụng các quy định này. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của người dân nói chung và quyền của những người có nguy cơ bị tra tấn nói riêng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thực thi công quyền, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tra tấn.

Trong lĩnh vực pháp luật, Việt Nam đã triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong cơ sở giam giữ phạm nhân, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng công an nhân dân; trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân; thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của công an nhân dân.

Việt Nam cũng đã quy định cụ thể những thông tin được công khai để nhân dân biết; những việc nhân dân tham gia ý kiến, hình thức tham gia ý kiến và hình thức giám sát; góp phần ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền của người dân, trong đó có quyền không bị tra tấn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tiếp tục triển khai thực hiện Công ước

Bên cạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước chống tra tấn, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban chống tra tấn.Theo đó, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; trình bày và bảo vệ các thông tin, số liệu, nội dung mà Việt Nam đã nêu trong Báo cáo quốc gia lần thứ nhất trước Ủy ban chống tra tấn vào năm 2018.

Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Ủy ban chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ, trả lời các bình luận, khuyến nghị này vào tháng 10 năm 2020. Trong Báo cáo này, Việt Nam đã cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.

Trên thực tế, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, trong đó có quyền không bị tra tấn.

Ngày 14/2/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.Trên cơ sở bám sát các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, Kế hoạch này đang được các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường triển khai thực hiện, bằng các hoạt động cụ thể, để đạt hiệu quả trên thực tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác