Đầu xuân vui hội Pồôn Pôông

(VOV5) - Tiếng trống, tiếng chiêng của lễ hội Pồôn Pôông vang lên trong những ngày đầu Xuân như lời mời gọi mời du khách gần xa, gọi người làng trên, bản dưới về vui ngày hội
Pồôn Pôông là lễ hội có từ rất xa xưa của đồng bào Mường ở tỉnh Thanh Hóa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Lễ hội mang đậm tín ngưỡng dân gian là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào Mường nơi đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ hội Pồôn Pôông còn được bà con người Mường ở Thanh Hóa gọi là Lễ hội thưởng hoa, chơi hoa hay là Lễ hội cây bông. Dịp đầu xuân, năm mới tháng giêng hay rằm tháng 3, tháng 7, bà con dân tộc Mường sẽ tổ chức lễ hội chơi hoa. Ông Bùi Hồng Nhi, dân tộc Mường, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa. Lễ hội chơi hoa này là do các bà Ậu máy (bà máy), người có uy tín trong làng, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, và múa đẹp, hát hay, chủ trì. Lễ hội còn có nam thanh, nữ tú, cùng chơi trong hội chơi hoa".
Đầu xuân vui hội Pồôn Pôông - ảnh 1Lễ hội Pồôn Pôông còn được bà con người Mường ở Thanh Hóa gọi là Lễ hội thưởng hoa, chơi hoa hay là Lễ hội cây bông - Ảnh: congthuong.vn

Lễ hội Pồôn Pôông gồm có hai phần, phần lễ và phần hội (diễn trò). Trong đó Ậu máy có vai trò như một người thầy cúng, là người dùng văn vần kể lại giai thoại sinh ra trời đất, thông báo với thần linh năm nay mùa màng bội thu, dân làng mở hội để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, người người hạnh phúc và mời thần tổ, vua cha về vui chơi...

Sau phần lễ của Ậu máy là phần hội. Ngoài Ậu máy, lễ hội luôn cần ít nhất 6 người nữa cùng diễn trò múa hát xung quanh cây Bông, vật trung tâm trong lễ hội. Cây Bông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người, dựng cây Bông đồng nghĩa với việc trả ơn cho thần linh và mời thần linh về chung vui cùng người trần gian. Cây Bông được đẽo bằng thân tre, trên cây được treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa được làm từ gỗ của cây Chạng bạng nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng cùng các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất... (tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có thể có 5, 7, 9, vì thế mà chiều cao của cây bông cũng khác nhau).

Anh Bùi Văn Đồng, người Mường ở thôn Liên Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi trang trí nhiều con vật, hoa lên cây Bông. Con vật và hoa được làm bằng gỗ và sơn nhiều màu sắc và còn dùng vải nhiều màu sắc để quấn lên cây Bông".

Để làm được cây bông cần có những người thật sự khéo tay của bản Mường, làm mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải công phu. Bà Phạm Thị Bảo, người Mường ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, cho biết: "Lễ chơi hoa này thường tổ chức tháng giêng, nhưng bây giờ cứ ngày lễ, ngày Tết là tổ chức lễ, lại nhảy múa hát vang. Ở quê tôi, ngày mùng 7 tháng Giêng, dựng 1 cây Bông ở trung tâm xã hoặc cổng chùa, bà con đến nhảy, múa hát. Bà Máy thì lo cúng, lo khấn, còn bà con múa hát, đánh cồng chiêng".

Đầu xuân vui hội Pồôn Pôông - ảnh 2Chủ lễ cầu xin cho dân làng mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc - Ảnh: congthuong.vn

Theo lời anh Bùi Văn Đồng: "Từ trước tới nay Lễ hội Pồôn Pôông cũng không thay đổi nhiều lắm, hầu như vẫn giữ nét truyền thống văn hóa của xưa để lại. Lễ hội Pồôn Pôông thì làng xã nào cũng có… vào một ngày đầu năm mới thì mỗi làng tổ chức một ngày".

Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây Bông, mô phỏng lại các phong tục, tập quán của người Mường, phản ánh đời sống tâm linh văn hóa của người Mường. Các nhân vật tham gia lễ hội mặc trang phục dân tộc, trên vai vắt một dải khăn để điệu nhảy thêm uyển chuyển. Họ múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, sản xuất vui chơi hàng ngày, như: chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, làm cơm mời Mường..., sau đó mọi người tiếp tục nhảy múa quanh cây Bông, họ cất lên những khúc hát giao duyên, lời ca hẹn ước trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vang lên rộn rã khắp bản làng. Bà Phạm Thị Bảo cho biết thêm:"Khi có cây Bông, chúng tôi tổ chức nhảy múa… Nhảy múa hát và cùng uống rượu cần. Các điệu múa của chúng tôi tái hiện cuộc sống người Mường. Chia đất, chia nước là tái hiện việc cha mẹ chia đất, chia nguồn nước cho các con".

Bên cạnh cây Bông là bàn rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp lễ, như: xôi ngũ sắc, canh Loóng, canh Môn...

Tiếng trống, tiếng chiêng của lễ hội Pồôn Pôông vang lên trong những ngày đầu Xuân như lời mời gọi mời du khách gần xa, gọi người làng trên, bản dưới về vui ngày hội, gọi người con đất Mường xa xứ một lòng nhớ về nguồn cội. Với những nét văn hóa đặc sắc đó, Lễ hội Pồôn Pôông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác