Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật hộ tịch, chính sách đất đai



Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật hộ tịch, chính sách đất đai - ảnh 1



(VOV5) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật hộ tịch. Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật hộ tịch nhằm thực hiện tốt công tác quản lý dân cư cũng như hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thực tế ở một số nước trên thế giới cho thấy, việc cấp mã số cho công dân để quản lý rất có hiệu quả. Trong khi đó, ởViệt Nam hiện nay, người dân được cấp rất nhiều giấy tờ với các mã số khác nhau. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: cần tiến tới mỗi người có một mã số quản lý duy nhất, dùng chung cho các loại giấy tờ cá nhân, tránh gây tốn kém và phiền hà cho nhân dân. Ủy ban thường vụ quốc hội cũng cho rằng : nhiều quy định trong dự thảo Luật liên quan chặt chẽ đến các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật quốc tịch, Luật cư trú, Luật cán bộ, công chức, Luật nuôi con nuôi, Pháp lệnh phí, lệ phí... Do đó, cần rà soát để Luật hộ tịch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các bộ luật này.


Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua thảo luận, UBTVQH đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, trong đó tập trung đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và biện pháp, nguồn lực, thời hạn cụ thể giải quyết tình trạng còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. UBTVQH cho rằng giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ DTTS nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân. Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng chuyển nhượng vì thực tế có những hộ tái thiếu đất do sang nhượng hoặc được giao đất nhưng di chuyển đi nơi khác, nhận đất nhưng không sử dụng... Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để từ đó, ổn định sinh hoạt, sản xuất, học tập, đóng góp vào đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giàu cho đất nước là một nhiệm vụ nặng nề, cần đưa ra được mục tiêu, giải pháp và thời hạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng loại hình./.

Phản hồi

Các tin/bài khác