Quốc hội thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

(VOV5) - Trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay, về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, 4 tháng đầu năm 2014 và những giải pháp trong thời gian tới, nhiều đại biểu ghi nhận những cố gắng của Chính phủ để vượt qua khó khăn. Kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiềm chế. Lần đầu tiên sau 10 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào trong 2 tháng đầu năm 2014. Tổng tồn kho của bất động sản tính đến cuối tháng 2/2014 giảm 27,89% so với cùng kỳ năm 2013.

Quốc hội thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Tuy nhiên mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi mạnh mẽ, thể hiện bằng cách tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2014 tăng 14,1% nhưng chủ yếu là gia tăng ở nhóm các sản phẩm gia công.  Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay mua nhà còn thấp, tính đến 15/3/2014, mới đạt 6,4% quy mô của gói tín dụng…Trước thực tế trên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, nhất là trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sử dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành.


Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2014, cần phải dự đoán chính xác tình hình, từ đó có những giải pháp chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội. Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: “Trước hết là phải xem lại việc phân bổ ngân sách đối với các công trình, dự án của năm 2014 và những năm tiếp theo, Ngay từ bây giờ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là phải đổi mới thị trường xuất khẩu, phải hướng ra các nước EU, Mỹ. Trong lĩnh vực dầu khí cũng nên kêu gọi các công ty lớn của nước ngoài vào khai thác, cấn tranh thủ mọi nguồn lực để bảo đảm nguồn thu và giữ được chủ quyền”.


Về các vấn đề xã hội, cụ thể là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều đại biểu ghi nhận tuy có nhiều chuyển biến trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến: Chương trình xây dựng nông thôn mới tiến độ còn chậm, còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, cần quan tâm đúngmức đến phát triển văn hóa, cải thiện môi trường đầu tư cho sự thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới ngành nghề sản xuất kinh doanh để giúp cho người dân làm giàu chính đáng và bền vững”.


Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần có giải pháp tránh lãng phí nguồn nhân lực, giảm sự chồng chéo trong chính sách xóa đói giảm nghèo, cần đầu tư tàu cá cho ngư dân bám biển…


Chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận  Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu cho rằng những qui định trong Luật vừa phải đơn giản về thủ tục hành chính, đồng thời phải chặt chẽ trong công tác quản lý để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.


Về quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài, một số đại biểu cho rằng Dự thảo Luật có quy định quyền của người nước ngoài được Nhà nước bảo hộ về tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, quy định như vậy chưa đầy đủ vì nội dung bảo hộ này phải bao gồm cả quyền nhân phẩm, danh dự của người nước ngoài.


Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác