Doanh nghiệp Việt Nam tìm giải pháp ứng phó căng thẳng Biển Đỏ

(VOV5) - Năm vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hơn 193 tỷ USD.

Hôm qua (06/02), tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ kéo dài, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam tìm giải pháp ứng phó căng thẳng Biển Đỏ   - ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VOV

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương cho biết trong năm vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hơn 193 tỷ USD, chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, căng thẳng tại Biển Đỏ, tuyến hàng hải chính nối châu Á với châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó đáng kể nhất là việc giá cước vận tải tăng. Bà Đỗ Thị Thương, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết:Đối với tuyến Việt Nam đi châu Âu thì tăng khoảng 120%, tức tăng hơn gấp đôi; còn tuyến đi châu Mỹ tuy rằng không phải là ảnh hưởng trực tiếp bởi Biển Đỏ nhưng cũng nằm trong chuỗi đó và cũng bị ảnh hưởng, giá cước đã tăng từ 30 - 40%”

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cùng với chi phí tăng cao, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn từ 1-2 tuần cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu vật tư của các nhà sản xuất bị đảo lộn, hàng phục vụ sản xuất bị trễ lịch, ảnh hưởng tới chất lượng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, hành trình kéo dài cũng sẽ làm cho việc thiếu container rỗng và giá container rỗng tăng lên. Nhằm ứng phó với khó khăn hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đề nghị:Đối với Hiệp hội doanh nghiệp vụ logistics và các chủ tàu chủ hàng cũng như các hiệp hội trong lĩnh vực logistics thì chúng tôi cũng đề nghị là tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các doanh nghiệp, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam để giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có những thuận lợi nhất trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thương mại quốc tế”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác