Công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2023

(VOV5) - Về xếp hạng tổng quan các địa phương trong báo cáo PAPI 2023, tỉnh Thái Nguyên xếp đầu về chỉ số “Tham gia của người dân ở cơ sở”.

Sáng nay (02/04), tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023.

Công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2023 - ảnh 1Toàn cảnh lễ công bố. Ảnh: VOV

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết Báo cáo PAPI 2023 được thực hiện thông qua bộ câu hỏi hơn 500 câu với gần 20.000 (19.536) người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là số lượng phỏng vấn cao nhất từ trước đến nay, tăng gần 20% so với năm 2022. Theo bà Ramla Khalidi, so với báo cáo năm 2022, báo cáo PAPI năm vừa qua có 3 điểm lớn đáng chú ý, trong đó đáng kể nhất là việc người dân đánh giá công cuộc chống tham nhũng trong lĩnh vực công có sự cải thiện rõ rệt: “Chúng tôi được khích lệ bởi nhận thức của người dân rằng một số hình thức tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện ở cấp độ địa phương. Đây là tiến bộ rất đáng hoan nghênh bởi trong nhiều năm qua, chỉ số về tham nhũng luôn có sự tương quan lớn nhất đối với sự hài lòng tổng thể của người dân với chính quyền địa phương”.

Công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2023 - ảnh 2Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu khai mạc. Ảnh: VOV

Bên cạnh việc chống tham nhũng, một lĩnh vực khác cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể của các địa phương Việt Nam là quản trị điện tử. Phân tích của Edmund J.Malesky, Giáo sư Đại học Duke (Mỹ) và là thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) của Việt Nam trong năm ngoái dù vẫn ở mức thấp (8,3%) nhưng đã tăng gấp đôi so với năm 2022. Tỷ lệ người dân thiết lập hồ sơ người dùng trên CDVCQG cũng tăng lên 6,39% năm ngoái, so với 3,05% năm 2022. Theo Giáo sư Malesky, điều này cho thấy việc tiếp cận của người dân Việt Nam với quản trị điện tử ngày càng được cải thiện, tương ứng với mức độ phổ cập internet tăng nhanh trong dân chúng.

Tại Lễ Công bố, UNDP cùng các đối tác quốc tế nhấn mạnh năm nay là năm thứ 15 UNDP phối hợp cùng chính quyền và các địa phương Việt Nam thực hiện Báo cáo PAPI. Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, Andrew Goledzinowski, điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Việt Nam trong việc lắng nghe ý kiến của người dân để cải thiện nền hành chính công, điều mà không có nhiều quốc gia trên thế giới làm được: “Có nhiều chính phủ và hệ thống quản trị trên thế giới nhưng tôi nghĩ ngày nay chúng ta có thể chia làm 2 dạng: một, là những chính phủ quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ cho người dân và hai, là những chính phủ không làm điều đó. Sau 15 năm thực hiện bộ chỉ số này, tôi nghĩ chúng ta có thể tự tin cao độ nói rằng chính phủ Việt Nam thuộc dạng đầu tiên”.

Về xếp hạng tổng quan các địa phương trong báo cáo PAPI 2023, tỉnh Thái Nguyên xếp đầu về chỉ số “Tham gia của người dân ở cơ sở”; Khánh Hòa xếp đầu về “Công khai, minh bạch”; Bạc Liêu xếp đầu về “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Thủ tục hành chính công”; Sóc Trăng xếp đầu về “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; Thừa Thiên Huế xếp đầu về “Cung ứng dịch vụ công”; Đồng Tháp xếp đầu về “Quản trị môi trường” và Hà Nội xếp đầu về “Quản trị điện tử”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác