Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - Người làm sống lại di sản bằng công nghệ 3D

(VOV5) - 20 năm qua, bằng đam mê với di sản và công nghệ, kiến trúc sư Đinh Việt Phương cùng các đồng nghiệp đã phục dựng nhiều di tích, di vật, công trình kiến trúc.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương là tác giả của bộ truyện tranh Đất Rồng, tác phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải đồng tại giải thưởng truyện tranh Manga quốc tế lần thứ 6 năm 2012 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức. Anh cùng các cộng sự thành lập công ty cổ phần 3D Art bắt đầu công việc số hóa các di sản văn hóa từ năm 2004, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam. 
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - Người làm sống lại di sản bằng công nghệ 3D - ảnh 1KTS Đinh Việt Phương bắt đầu công việc số hóa di sản văn hóa từ năm 2004. Ảnh: VOV

Từ năm 2002, khi còn là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đinh Việt Phương đã ấp ủ ý tưởng sử dụng công nghệ để số hóa các di sản văn hóa, kiến trúc. Chàng sinh viên Đinh Việt Phương đã cùng đội tình nguyện của Trường đại học Kiến Trúc Hà Nội thực hiện việc vẽ 3D mô phỏng lại phố cổ Hà Nội và triển lãm với các tác phẩm vẽ về 3 thời kỳ Hà Nội cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đầu thế kỷ XX và Hà Nội mùa Đông năm 1946. Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho biết: Đầu tiên là phải scan 3D lại trên bản gốc và sau đó sưu tập các tài liệu. Từ đó kết nối với hiện vật gốc. Di sản sống, tức là được sử dụng, có thể tạo ra các sản phẩm tái sinh thì các di sản mới sống được. Di sản ngày càng bị mai một thì mình phải lưu giữ, luôn đau đáu làm thế nào để tạo ra sản phẩm, quảng bá giá trị di sản. Hơn 20 năm nay tôi đi theo con đường này. Tôi có lập ra một nhóm tình nguyện viên để lưu giữ các di sản của ông cha. Tôi thấy có rất nhiều người đam mê di sản và họ chỉ chờ có anh em, bạn bè, cộng đồng để tham gia.

Nói tới đồng nghiệp của mình, chị Tuyết Nguyễn, cộng sự cùng anh Đinh Việt Phương, kể: Công ty số hóa của anh Phương và tôi kết hợp làm với nhau lâu rồi. Anh Phương là người rất có tâm huyết, chịu khó tìm hiểu vì dữ liệu về văn hóa, lịch sử rất là lớn. Phải đam mê thì mới theo đuổi được và cũng phải ứng đụng được như thế này. Điều tuyệt vời nhất là dữ liệu của cổ vật khi mà lên số hóa, lên mạng xã hội rồi thì mọi người cập nhập rất là dễ dàng.

Xuất thân từ ngành kiến trúc, dù không qua ngành đào tạo khảo cổ học, nhưng hơn 20 năm qua, bằng đam mê với di sản và công nghệ, kiến trúc sư Đinh Việt Phương cùng các đồng nghiệp đã phục dựng nhiều di tích, di vật, công trình kiến trúc… tái hiện di sản đến với công chúng. Kiến trúc sư Đinh Việt Phương đã phục dựng cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh), Hiển Lâm Các (Đại nội Huế)... Cùng với đó, là triển lãm tranh 3D phục dựng phố cổ Hà Nội vào năm 2007. Năm 2010, Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cũng là người thiết kế toàn bộ những hình ảnh trình chiếu về di sản, lịch sử trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh cũng đóng góp vào việc ứng dụng số hóa các hiện vật của bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; sản phẩm trình chiếu cho bảo tàng Hà Giang; các phần mềm quản lý hiện vật cũng như đưa ra những giải pháp về VR, AR… Hiện, Kiến trúc sư Đinh Việt Phương đang thực hiện những dự án số hóa về bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo. Song song với đó, anh vẫn đề ra các quy trình để số hóa di sản để tư vấn cho các địa phương.Tôi cho rằng công nghệ 3D tương lai sẽ giúp ích rất nhiều cho giá trị di sản. Công nghệ 3D len lỏi trong mọi mặt đời sống và đặc biệt trong lĩnh vực phục dựng di sản, số hóa di sản, phục dựng 3D, mô hình hóa di sản… tất cả đều dùng công nghệ 3D. Số hóa hiện vật cách tốt nhất có thể dùng công nghệ in 3D. Dữ liệu 3D có thể cụ thể hóa bằng các vật liệu khác nhau, tỷ lệ khác nhau… Để di sản sống mãi thì chúng ta cần phải có những phiên bản và đặc biệt phiên bản đó có thể thu nhỏ được và tạo ra thành những điểm nhấn trong các không gian thì thực sự di sản đó sẽ sống.

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - Người làm sống lại di sản bằng công nghệ 3D - ảnh 2Công nghệ 3D ứng dụng vào phục dựng kiến trúc một cột chùa Dạm. Ảnh: VOV

Việc số hóa tốt các di sản sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn để nhiều người, đặc biệt là giới mỹ thuật, văn nghệ sĩ, chuyên gia khảo cổ học có thể sử dụng, khai thác và tạo nên các sản phẩm mới. Qua đó, góp phần quảng bá, phát triển giá trị văn hóa Việt trong thời đại chuyển đổi số. Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cũng tích cực hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc. Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga cho biết:Một số dự án tôi đã hợp tác cùng anh Phương. Anh hỗ trợ tôi nhiều. Tư liệu, họa tiết, hoa văn trên những bộ trang phục cổ khi anh Phương số hóa lại thì rất cần thiết. Họa tiết hoa văn, màu sắc, kích thước khi phỏng dựng lại rất chính xác. Tôi rất ngưỡng mộ những sản phẩm do Công ty anh Phương làm, vì có giá trị ứng dụng về di sản.

Với những cống hiến đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hà Nội, Kiến trúc sư Đinh Việt Phương đã vinh dự nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2010. Anh cũng được vinh danh là một trong 100 trí thức trẻ tiêu biểu Hà Nội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Những dự án, công trình của kiến trúc sư Đinh Việt Phương thực hiện đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác