Người Mông ở Mèo Vạc mở Hội mừng xuân

(VOV5) - Đồng bào Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã đón Tết của dân tộc mình trong không khí rộn ràng. Sau phần cúng lễ diễn ra tại từng gia đình, từ sáng sớm ngày 1/1 năm dương lịch, mọi ngả đường dẫn về trung tâm các xã đều ngập tràn sắc màu váy áo rực rỡ. Dưới ánh nắng xuân ấm áp, các chàng trai, cô gái Mông tìm đến những bãi đất trống, những khoảng không rộng dưới chân núi để chơi hội.

Người Mông ở Mèo Vạc mở Hội mừng xuân - ảnh 1
Hát giao duyên thường được nam nữ thanh niên tạo ấn tượng cho người yêu. Ảnh: báo Lao động

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Dòng người đổ về trung tâm xã Khâu Vai, Cán Chu Phìn, Lũng Pù (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mỗi lúc một đông, trong đó có không ít bạn trẻ đến từ huyện Đồng Văn kế bên. Họ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc như tung còn, đẩy gậy, kéo co, thi hát giao duyên, múa khèn, ném pao…Các chàng trai Mông mạnh mẽ trong trang phục truyền thống, những thiếu nữ miền sơn cước thì tươi cười trong váy áo rực rỡ sắc màu. Ông Đốc Viết Thành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, cho biết: “Tổ chức Tết của người Mông trên địa bàn xã Lũng Pù là một chủ trương lớn của tỉnh cũng như của huyện. Chúng tôi cố gắng đảm bảo cho bà con trên địa bàn xã có một cái Tết thực sự vui vẻ.”

Khác với mọi năm, lễ hội xuân sớm năm nay như vui hơn khi lần đầu tiên phong tục vỗ mông, nét văn hoá độc đáo của dân tộc Mông, được phục dựng lại. Đây được xem là điểm nổi bật, mang đến những bất ngờ thú vị trong lễ hội.

Thông thường, tục vỗ mông để chọn bạn đời chỉ diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau và ưng thuận thì chàng trai sẽ chủ động vỗ vào mông cô gái như một lời tỏ tình chính thức, nếu cô gái đồng ý sẽ vỗ đáp lại. Theo phong tục, đôi nam nữ phải vỗ mông nhau đủ 9 lần mới hợp lệ và lời tỏ tỉnh mới chính thức được công nhận, chỉ chờ người mai mối là có thể tổ chức cưới hỏi, thành vợ thành chồng.

Nắm tay cô bạn gái, Ly Mí Say, chàng thanh niên người Mông, tâm sự: Mí Say đến hội xuân từ sáng sớm để cùng mọi người vui năm mới và tìm bạn. Bạn gái của Mí Say không ở cùng xã nên khó gặp được nhưng đó là một cô gái khỏe mạnh, ngoan hiền và chăm chỉ nên Mí Say muốn cưới về làm vợ. Hôm nay cô ấy đã ưng thuận. Mí Say sẽ làm đám cưới sau khi nhờ được bà mối giúp đỡ.

Đối với người Mông, vỗ mông không đơn thuần là trò vui trong ngày xuân mà là một nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc. Các đôi nam nữ nên duyên không phải do vô tình tìm được nhau mà thường đã có sự tìm hiểu từ trước. Tham gia trò vỗ mông trong ngày đầu xuân chỉ là cơ hội để hai người tìm gặp lại nhau và quyết định có nên duyên vợ chồng hay không mà thôi.

Chị Giàng Thị Dư, thôn Tả Lủng A, xã Tả Lủng, Mèo Vạc, cho biết: Phong tục này tôi đã được nghe bố mẹ tôi, anh chị tôi kể từ lâu rồi và bây giờ được khôi phục lại nên tôi rất thích. Tôi mong phong tục này sẽ được tái hiện nhiều lần nữa để cho nam nữ thanh niên chúng tôi có dịp gặp nhau nhiều hơn nhất là trong những ngày đầu xuân.

Việc phục dựng lại nét văn hóa đã mai một của đồng bào dân tộc Mông không chỉ nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Chí Thường, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc, cho biết: ”Năm nay huyện chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng kịch bản và mời các chuyên viên ở Sở Văn hóa giúp khôi phục lại nét đẹp này, tức là khôi phục lại tục vỗ mông. Đây cũng là một phong tục mà đồng bào rất trân trọng. Năm nay huyện quyết định phải tổ chức và sau này sẽ tuyền truyền vận động bà con khôi phục lại bản sắc dân tộc”phong tục vỗ mông” này”.

Ngày đầu xuân của đồng bào Mông ở Hà Giang dần trôi qua. Mặt trời đã khuất sau những dãy núi hùng vĩ nhưng dư âm của lễ hội năm mới và niềm vui từ tục vỗ mông như vẫn còn đọng lại trên gương mặt của từng chàng trai, thiếu nữ người Mông./.        

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác