Lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng

(VOV5) - Máng nước sạch với nguồn nước được khơi trong là điều đặc biệt quan trọng đối với buôn làng.

Tháng 11, tháng 12 dương lịch hằng năm, đồng bào các dân tộc thiếu số vùng Tây Nguyên, trong đó có người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum, tiến hành các nghi lễ để tạ ơn thần linh, mong cầu sự may mắn, bình yên cho buôn làng, cho các gia đình. Lễ bắc máng nước hay cúng nguồn nước là một trong những lễ hội nhằm mục đích như vậy. 

Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Người Xơ đăng là 1 trong 12 tộc người thiểu số bản địa ở Tây Nguyên. Họ cư trú tập trung ở các huyện Đăk Tô, Đăk Hà Tu mơ Rông Kon Plong và một số huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Đời sống văn hóa của đồng bào Xơ đăng nhìn chung rất phong phú và đa dạng, từ phong tục tập quán tín ngưỡng đến các lễ hội truyền thống văn hóa dân gian. Họ thường xuyên thực hiện các lễ nghi liên quan đến nông nghiệp một cách trang nghiêm và thành kính để cảm tạ Thần Linh. Một  trong số nghi lễ đó chính là Lễ bắc máng nước.
Lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng - ảnh 1Tìm được nguồn nước, người dân tập trung bắc máng nước để dẫn nước về làng - Ảnh: TTXVN

Theo phong tục, lễ bắc máng nước là lễ cúng được người Xơ đăng tổ chức mỗi khi nguồn nước đang sử dụng không còn đảm bảo chất và lượng, khi mới lập làng hay vào dịp cuối năm để mừng lúa mới. Theo nghệ nhân A Kênh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum: "Để thực hiện lễ bắc máng nước, cả buôn làng cùng nhau đến bến nước, dọn dẹp chuẩn bị các công việc. Diễn ra hôm trước Tết để sửa soạn, chuẩn bị đón năm mới, phải làm lại cái máng nước mới. Từ hồi xưa, các cụ đã  rất chú trọng việc phải có máng nước bắc dọc từ trên nguồn xuống".

Người Xơ đăng quan niệm: nước quan trọng hơn bất cứ thứ gì, hơn cả cơm ăn, áo mặc. Cuộc sống có tốt tươi, sinh sôi nảy nở cũng là nhờ nguồn nước mát lành nên việc tổ chức lễ bắc máng nước là để các vị Thần nước, Thần núi, Thần sông biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban sức khỏe, làm ăn phát đạt. Hơn thế nữa, bà con trong buôn luôn yêu thương nhau, đoàn kết và sẻ chia cùng nhau.

Ông Phan Văn Hoàng,  Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: "Với đồng bào nguồn nước mới cần phải được chăm sóc hằng năm, có như thế, nguồn nước mới luôn sạch sẽ ngọt, ngon. Các thần sẽ không quở trách buôn làng mà luôn quan tâm và phù trợ. Vì lẽ ấy năm nào họ cũng lên đầu nguồn sửa sang quét dọn và làm lễ bắc máng nước. Với người dân ở đây, rừng là nơi rất thiêng, họ sợ không dám lên. Chính vì vậy, nguồn nước ở trên đó, rồi cây cối trên đó rất tươi  tốt. Nên già làng chọn một ngày để làm lễ cúng, rồi người dân lên rừng để sửa lại cái máng nước".

Lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng - ảnh 2Dân làng phấn khởi nổi chiêng, trống vui hội mừng nước về làng - Ảnh: TTXVN

Máng nước sạch với nguồn nước được khơi trong là điều đặc biệt quan trọng đối với buôn làng. Chính vì thế, các chàng trai cùng những người có uy tín sẽ được chọn để đi lượm nguyên vật liệu về làm máng nước, thường là các cây lồ ô. Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: "Ống lồ ô được chẻ đôi ra và sau đó là bắc từ nguồn nước trên rừng thiêng đưa về tới làng. Từ đó, dân làng sẽ sử dụng nước để mà sinh hoạt, ăn uống".

Những người làm lễ phải bịt chặt nước trên nguồn không được cho nước chảy vào ống dẫn khi chưa thực hiện lễ cúng. Sau lời khấn cầu, già làng sẽ tiến hành khai thông cho nước chảy vào máng và dặn dò con cháu phải biết gìn giữ nguồn nước trong sạch, dồi dào để cuộc sống luôn khỏe mạnh, ấm no.

Vào ngày tổ chức lễ bắc máng nước, mỗi gia đình trong buôn đều chuẩn bị sẵn những ống lồ ô to để mang nước về nhà sử dụng sau buổi lễ. Họ cũng lấy nguồn nước mới đó về để cho vào ché rượu cần, khi có lễ hội thì mang ché rượu kèm theo những món ăn để cùng nhau ăn uống vui vẻ tại nhà Rông. Nghệ nhân Ý Sinh, ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, cho biết: "Mỗi hộ phải cầm một cái ống lồ ô để lấy nước đem về để cầu cho năm đó có sức khỏe mong sang năm bội thu, bà con có nhiều thóc, lúa, mì hơn so với năm nay".

Trong dịp này, khách đến thăm làng sẽ được bà con mời chung vui bên những ché rượu cần thơm, cùng đánh cồng chiêng, đàn hát để mừng đón nguồn nước mới của buôn làng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác