Khắp Thái, điệu hát truyền thống của dân tộc Thái

(VOV5) - Với đồng bào dân tộc Thái, điệu khắp gắn liền với nét văn hóa truyền thống và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào.

Khắp Thái là những bài hát dân ca, những làn điệu trữ tình được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép từ đời này sang đời khác. “Khắp” xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ. Một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát. Khắp Thái có nhiều loại, tùy nội dung, đề tài mà có tên gọi khác nhau.

"Xin chào các quý khách. Các khách quý đến đường ruộng nương thì xin mời hỏi thăm lúa. Khách đến nơi có nước thì tôi xin mời hỏi cá ao." (Lời khắp)

Người ta có thể “khắp” ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài đồng, lúc ru con, trong lễ hội, “khắp” mừng xuân, “khắp” mừng nhà mới, “khắp” mừng thọ, hay “khắp” để tiễn đưa người đã khuất về với tổ tiên...  Nội dung những câu “khắp” lấy ý tưởng từ chính những điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, thói quen, tín ngưỡng, thể hiện tâm tư và tình cảm mà người hát muốn gửi gắm.

Khắp Thái, điệu hát truyền thống của dân tộc Thái - ảnh 1Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích. Ảnh Ngọc Anh

Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích, dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Làn điệu Khắp Thái với giai điệu riêng biệt của dân tộc Thái, đã có từ bao đời nay, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Tiết mục Khắp Thái ca ngợi về nông thôn người Thái, mô tả cảnh cánh đồng, ca ngợi vẻ đẹp làng bản… Các chương trình văn nghệ của bản, như: múa sạp, keng loóng… cũng có khắp. Nhất là lễ hội Xên Mường phải có hát Khắp Thái mới là ngày lễ hội có đủ ý nghĩa. Chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Khắp Thái với 30 người, có cả nam và nữ, mọi độ tuổi. Chúng tôi chọn những người có năng khiếu, nhiệt tình. Câu lạc bộ Khắp Thái thường đi biểu diễn vào ngày lễ, ngày hội hoặc đám cưới, mừng nhà mới, trẻ em mới sinh."

Trong số các làn điệu Khắp Thái thì có lẽ hát giao duyên nam nữ (khắp báo xao), hát ru con (khắp ú lụ), “khắp” mừng xuân, “khắp” xư (giống với ngâm thơ, vịnh thơ của dân tộc Kinh) là phổ biến hơn cả. Câu “khắp” được lấy nội dung từ những câu truyện thơ của dân tộc Thái kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát. Với tình yêu lứa đôi, hình thức khắp là mượn chủ đề tình yêu để thi tài năng đối đáp giữa các cặp hát đối.

Những điệu “khắp” thường có giai điệu mượt quà, trữ tình, bắt tai, được khán giả đón nhận. Khắp Thái thường kết hợp cùng với “pí khui” (sáo trúc) và “pí pe” (khèn bè), giọng hát trầm bổng cùng sáo, khèn ngân nga tạo nên một thứ âm thanh lạ, độc đáo và đi vào lòng người.

Khắp Thái, điệu hát truyền thống của dân tộc Thái - ảnh 2Bà con dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nhảy sạp. Ảnh: Ngọc Anh

Ông Hà Văn Xèm, dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, kể: "Khắp tiếng Thái là hát. Phụ họa thêm Khắp có khèn bè, đệm làm nhạc cho người Khắp. Hát Khắp Thái nếu trong đám cưới thì hát thăm hỏi nhau. Cũng có hát đối đáp, hỏi gì thì trả lời đó. Cũng có đối đáp nam nữ hay nam với nam, nữ với nữ. Khắp có ở nhiều nơi, Khắp Thái huyện Mai Châu khác với Khắp Thái tỉnh Sơn La."

Ngày nay, các địa phương có đồng bào dân tộc Thái sinh sống, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị loại hình âm nhạc này. Ông Hà Văn Ngân, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Xã Nà Phòn quan tâm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của người bản địa. Năm nay, chương trình dự án 8, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ xã dự án bảo tồn bản sắc văn hóa. Chúng tôi đã thành lập được 2 Câu lạc bộ, trong đó có 1 Câu lạc bộ Khắp Thái, để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái."

Nếu như nghệ thuật của người Mông được biết đến với điệu múa Khèn, người Tày với câu hát Then, thì Khắp Thái lại là một loại hình âm nhạc đặc trưng của dân tộc Thái. Với đồng bào dân tộc Thái, điệu khắp gắn liền với nét văn hóa truyền thống và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác