Độc đáo sáo Ta Lẹh của người Giẻ Triêng ở Kon Tum

(VOV5) - Với người Giẻ Triêng, vốn âm nhạc truyền thống luôn là linh hồn và được người dân bảo tồn nguyên gốc.

Kho tàng nhạc cụ truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng ở Kon Tum rất phong phú, đa dạng với 22 loại nhạc cụ khác nhau. Trong đó, có tới 2/3 là nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa. Ta lẹh là một trong số những loại nhạc cụ độc đáo của người Giẻ Triêng, được sáng tạo trong quá trình làm nương rẫy và luôn gắn liền với đời sống thường ngày của người dân.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Sáo ta lẹh thuộc nhóm nhạc cụ bộ hơi của đồng bào Giẻ Triêng. Sáo được chế tác từ 1 ống nứa dài khoảng 70cm, 2 đầu đều rỗng. Giữa thân sáo chỉ có 1 lỗ để thổi. Khi diễn tấu, người chơi nhạc phải thổi ngang sáo. Nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ, ở làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, cho biết: "Loại này khi thổi phải dùng lòng bàn tay phải đập phía dưới ống. Nếu chỉ thổi không thì không ra nốt cao, nốt thấp. Sáo này chỉ có đàn ông thổi, phụ nữ không thổi được vì nó dài. Biểu diễn đinh tút phải mặc váy còn biểu diễn ta lẹh thì không cần thiết."

Đặc trưng âm nhạc của người Giẻ Triêng nhẹ nhàng, êm đềm như lời tự sự, bày tỏ nỗi niềm của người chơi nhạc. Trong đó, thanh âm nhẹ nhàng, du dương của tiếng sáo Ta lẹh trên nương rẫy luôn thể hiện rõ chất âm nhạc trữ tình và bay bổng, thể hiện mơ ước về một cuộc sống thanh bình, no đủ và hạnh phúc của người Giẻ Triêng.

Độc đáo sáo Ta Lẹh của người Giẻ Triêng ở Kon Tum - ảnh 1Trình diễn sáo Ta lẹh. Ảnh: VOV

Tiếng sáo Ta lẹh không đòi hỏi sự cầu kỳ, chỉn chu trong cách thức thể hiện, thay vào đó là sự khoáng đạt, tự do và thoải mái của những con người hăng say lao động sản xuất. Theo nghệ nhân Brôl Vẻ, vào mùa trỉa hạt, phụ nữ Giẻ Triêng thường cho những hạt ngô, hạt lúa giống vào các ống thuộc họ tre, nứa để mang lên rẫy.

Trong lúc khom người trỉa hạt giống, từng luồng gió thổi vào các ống này tạo ra âm thanh nghe vui tai. Những âm thanh du dương, trầm bổng được phát ra từ tre, nứa trong lúc làm rẫy đã tạo niềm vui, sự phấn khích cho bà con Giẻ Triêng thêm phần hăng say lao động. Từ đó, người Giẻ Triêng nghĩ ra cách sáng chế các loại nhạc cụ liên quan đến tre nứa, trong đó nổi bật là sáo Ta lẹh. Cây sáo gắn bó với hoạt động nương rẫy của bà con, cũng bởi vậy mà nó có điểm thú vị so với các nhạc cụ của người Giẻ Triêng.

Đó là theo truyền thống, cây sáo này chỉ được sử dụng trong 1 thời gian nhất định, thường là trước khi bà con thu hoạch mùa vụ.

Khi lúa bắt đầu lớn thì thổi sáo. Làm nương từ tháng 7 đến lúc thu hoạch lúa thì không thổi nữa. Lúc đi rẫy, làm nương, khi nào nghỉ trưa hoặc buổi tối, buổi chiều, chúng tôi thổi sáo để cho tâm trạng thoải mái, đỡ mệt mỏi.

Theo truyền thống của người Giẻ Triêng, Ta lẹh chỉ được thổi tại nương, rẫy. Ngoài việc để giãi bày cảm xúc, tiếng sáo Ta lẹh còn nhằm báo hiệu trong căn chòi có người trông nom nương rẫy, xua đuổi chim, thú phá hoại mùa màng.

Ngoài ra, người Giẻ Triêng còn cấm kị thổi Ta lẹh tại nhà hoặc trong các dịp lễ, Tết. Cây sáo chỉ được để lại ở chòi, không được mang về nhà. Lý giải điều này, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Họ không để nhạc cụ này trong nhà mà cất giữ rất bí mật ở trong rừng. Họ coi đây là 1 vật linh thiêng và phải được cất ở nơi bí mật nhất. Đồng bào Tây Nguyên họ gắn với rừng. Với họ, rừng là nơi linh thiêng, nơi thân thiết, bí mật nhất của họ. Họ cất nhạc cụ ở đấy bởi họ tin đó là nơi an toàn nhất."        

Tuy nhiên, theo thời gian, sáo Ta lẹh ngày nay đã trở thành một loại nhạc cụ phổ biến, được người Giẻ Triêng treo tại nhà và dùng để biểu diễn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những ngày lễ, ngày vui của gia đình và cộng đồng.

Từ bao đời nay, với người Giẻ Triêng, vốn âm nhạc truyền thống luôn là linh hồn và được người dân bảo tồn nguyên gốc. Sáo Ta lẹh nói riêng và các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng nói chung không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn lẫn của người Giẻ Triêng, mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc truyền thống của các dân tộc tộc thiểu số trên khắp Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác