Những lớp học của “Bino chém tiếng Anh”: bắt đầu chung một cuộc hành trình

(VOV5) - Hai chàng trai trẻ người Việt khi đó một đang ở Úc, một đang ở Mỹ, đồng sáng lập ra Bino Academy để dạy tiếng Anh, đã chọn mở đầu những khóa học của mình bằng một thứ “hóc xương gà”: Tiếng Anh cho người mất gốc.

Không phải để “thử thách bản thân”, mà thực ra cách bắt đầu bằng những học sinh…khó dạy nhất này, lại bắt đầu từ nhận thức xuyên suốt của Bino – một trong hai chàng trai - từ những clip Tik Tok anh thực hiện đầu tiên: Ngôn ngữ sinh ra để giúp mọi người kết nối. Ngôn ngữ là cũng là một kỹ năng, như vô vàn những kỹ năng khác, vì thế ai cũng có thể học được, miễn là dành thời gian cho nó và có phương pháp đúng.

Nghe âm thanh phóng sự phát thanh tại đây:
 
“Bino chém tiếng Anh” hiện là chủ sở hữu kênh Tik Tok @binochemtienganh đạt gần 740k người theo dõi, dù mới xây dựng từ năm 2021, và trên toàn bộ các nền tảng mạng xã hội đạt trên 1 triệu người theo dõi. 

Những clip của chàng trai chuyên sáng tạo nội dung này được cộng đồng thích thú vì dù nói về tiếng Anh hay lifestyle, các vấn đề trong xã hội, fitness … đều là những chia sẻ kinh nghiệm thiết thực, thẳng thắn, pha chút hài hước.

Thậm chí, có page lập giả mạo nick của Bino, đính kèm link shopee để bán hàng trên mạng mà có những video up lên tới 23K lượt likes.

Vũ Vi Bình, tên thật của Bino, sinh ra ở Hà Nội, 19 tuổi đi du học ngành nha khoa ở Nga, sang Ukraine và sau đó làm việc ở một trong “tứ đại ngân hàng” lớn nhất tại Australia. Bino có một năng khiếu đặc biệt với việc học ngoại ngữ, giọng tiếng Anh như người bản địa, biết vững ba thứ tiếng, có thể nói “lõm bõm” thêm một vài thứ tiếng khác nếu dành thời gian học, và cũng có tài bắt chước giả giọng các vùng miền. Nếu sinh vào thời không có kỹ thuật số, chưa biết chừng người ta lại biết Vũ Vi Bình như một nghệ sĩ lồng tiếng cũng nên!

Nhưng chẳng cần tới giả định đó, Bino bỏ ngang công việc ngân hàng đang “ra tiền và sống tốt”, bán tất cả đồ đạc ở Úc, để trở về Việt Nam, thực hiện đúng dự định anh đã nói cách đây gần một năm trong 1 chương trình truyền hình, vì một mơ ước “điên rồ”: có thể sống vui hơn vì làm được những việc có ích cho cộng đồng hơn, trước hết, là việc dạy tiếng Anh. 

Những lớp học của “Bino chém tiếng Anh”: bắt đầu chung một cuộc hành trình  - ảnh 1Bino khi còn làm việc tại Australia

Khi trở về, có bị sốc văn hóa không? Bino nói: Sốc! “Mình đã quá quen với cuộc sống ở Úc rồi. Không phải ở Úc tốt hơn Việt Nam, ở đâu cũng sẽ có điểm cộng điểm trừ riêng, mà mình thì đã quá quen với những điểm cộng ở Úc đã có. Khi về Việt Nam đùng một phát không có những cái đó làm mình bị sốc.

Trong khoảng 1-2 tuần đầu người nhà mình có thể thấy rõ luôn, đã có lúc người nhà hỏi: có phải muốn quay lại Úc không? Mình cũng phải công nhận là đúng.

Nhưng sau 1 tháng, thì mình quay lại được, có lẽ bởi vì mình cũng là người Hà Nội nên để làm quen lại Hà nội không quá lâu.”

Khi làm Tik Tok thoạt đầu chỉ để cho vui, sau những buổi làm việc vất vả ở ngân hàng, Bino nhận ra nhiều vấn đề trong cách dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam. Anh bắt đầu mong muốn truyền đạt lại những câu từ tiếng Anh mà người bản xứ thực sự sử dụng, chứ không phải chỉ là tiếng Anh trong sách vở.

Thường được cộng đồng mạng gọi vui như “khịa Ai Eo” “đô thủ” tiếng Anh, thực ra Bino theo đuổi một định hướng sáng rõ: chia sẻ một cách học tiếng Anh thực tế, như một kỹ năng sinh tồn mà bất kỳ ai cũng có thể học, miễn là có động lực và dành thời gian cho nó. “Khịa” không có nghĩa là chê tiếng Anh học thuật, đối tượng mà Bino hướng tới là người dùng tiếng Anh phổ thông, thay đổi tư duy học tiếng Anh.

Những lớp học của “Bino chém tiếng Anh”: bắt đầu chung một cuộc hành trình  - ảnh 2Những clip của Bino chém tiếng Anh được yêu thích vì tính thực tế pha chút hài hước.

“Mình thấy ở Việt Nam mọi người đang dùng sai mục đích của tiếng Anh quá nhiều. Thay vì học để biết sử dụng nó, biết giao tiếp với người nước ngoài thì lại chỉ đối phó và thi lấy điểm là chính. Học ngoại ngữ là một kỹ năng, nhưng khi bạn học kỹ năng mà không sử dụng đúng như mục đích nó được tạo ra, thì chắn chắn sẽ không hiệu quả, giống như không ai tập lái xe máy mà nhảy lên lái ô tô cả, chắc chắn sẽ không làm được” – Bino nói.

Những lớp học của “Bino chém tiếng Anh”: bắt đầu chung một cuộc hành trình  - ảnh 3Văn Tấn Vũ và bạn gái ở Mỹ.

Trong tư tưởng này, Bino gặp Văn Tấn Vũ – người em hàng xóm từ thuở ấu thơ, cùng chung khu tập thể Hà Nội cũ, đã du học và làm việc tại Mỹ trong ngành tài chính kế toán.

Vũ bỏ công việc vốn rất ổn định về kinh tế, để chuyển sang làm giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh Việt tại một trường cấp 3 tại Mỹ.

“Ở Mỹ công việc văn phòng cho mình một cuộc sống ổn định, nhưng cũng khá nhàm chán, đôi khi mình cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Khi bắt đầu làm giáo dục, mình nhận ra như là bản thân đã tìm được mục đích thực sự, mình luôn cảm thấy rất hứng khởi khi được dạy học” – Vũ kể lại.

Và sau đó, tháng 7/2022, từ Mỹ, Vũ bắt đầu đồng hành dạy tiếng Anh qua mạng cùng Bino.

Bino Academy được Bino và Vũ đồng sáng lập với mục đích “chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm sống, và suy nghĩ cá nhân dành cho cộng đồng Bino. Mong rằng đây sẽ là nơi chúng mình có thể truyền được chút năng lượng tích cực tới mọi người sau những ngày học tập và làm việc vất vả”.

Những lớp học online của họ, “điều khác biệt là số lượng học sinh phải ít, để bọn mình có thể quan tâm đến từng học viên.” Họ đã bổ sung cho nhau. Bino dạy về nói, Vũ dạy về nghe, và cả hai hướng dẫn để học sinh có thể tiếp tục tự học.

Điềm đạm, cẩn trọng, Vũ dường như sinh ra để làm nghề giáo, Bino trái ngược với vẻ hài hước trên các video, kiên nhẫn và nghiêm túc như một “huấn luyện viên” đặc biệt về phát âm.

Khi được hỏi, quá trình dạy tiếng Anh vừa qua, anh nhận thấy khó khăn chính của học viên “mất gốc” tiếng Anh là gì, Bino bảo:  “Họ không có đủ thời gian để tự học. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là cung cấp kiến thức, hướng dẫn cách học, sửa những lỗi sai. Việc tự học trong ngoại ngữ rất quan trọng, chiếm đến 70-80% kết quả đầu ra. Mục tiêu chính của mình và Vũ hướng đến vẫn là làm thế nào để sau khi kết thúc khóa học, người học sẽ có khả năng biết cách tự học, như vậy họ mới có thể tự học lên B1 hay các cấp độ cao hơn hiệu quả”.

Những lớp học của “Bino chém tiếng Anh”: bắt đầu chung một cuộc hành trình  - ảnh 4Bino trả lời phỏng vấn trong phòng thu của VOV5

Ngoài việc dạy tiếng Anh, hiện giờ công việc toàn thời gian của Bino vẫn đang là sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội.

“Mong muốn làm một cái gì đó chưa nói đến thu nhập hay gì cả nhưng có thể có giá trị đóng góp cho xã hội sẽ rất tốt, sẽ luôn cảm nhận được niềm vui trong đó.” - Vũ chia sẻ.

Nghe thì có vẻ quen tai như nhiều người vẫn nói. Nhưng sự thực là, Vũ, từ Mỹ, tiếp nối Bino, sau rất nhiều tháng suy nghĩ, đã quyết định trở lại hẳn Việt Nam cuối tháng 3 vừa qua, để dành toàn thời gian cho Bino Academy.

“Thực ra bọn mình muốn xây dựng Bino Academy là một cộng đồng, gắn bó với nhau. Một khi đã vào học rồi sẽ luôn là học viên của Bino Academy, chia sẻ với nhau về cách học ngoại ngữ tốt hơn. Chúng mình có kế hoạch sẽ làm hoạt động ngoại khóa, kết nối các học viên , như cùng đọc sách, tiếp tục tham gia, sử dụng tiếng Anh, nâng cao từ vựng vv.. Vì muốn làm nhiều hơn nữa thì Bino và Vũ chỉ có thể về Việt Nam mới tập trung thực hiện được những điều ấy” – Bino và Vũ nói.

“Hai anh em luôn tin rằng khi mình đóng góp phát triển một cộng đồng rất lành mạnh và tất cả thành viên có thể cải thiện được ở một mức nào đó ít hay nhiều, không phải là một cuộc cạnh tranh mà là một hành trình tất cả mọi người đều cố gắng có được điều tốt hơn. Để theo đuổi niềm vui đó mình không nghĩ là quá khó khăn, khi ở tuổi này chưa phải lo lắng nhiều cho gia đình. Hai anh em có sự tin tưởng rất lớn về hành trình này”

“Tương lai xa cũng khó nói, nhưng tương lai gần 1-2 năm có lẽ chúng mình không hối hận với quyết định trở về này. Cảm thấy về đây chúng mình được đóng góp công sức nhiều hơn cho cộng đồng. Chắc chắn là như vậy.”
Tin liên quan

Phản hồi

Nguyễn Nghĩa

Tôi muốn học

Các tin/bài khác