Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ

(VOV5) - Những thành tích khủng của bà mẹ không còn quá trẻ - Nguyễn Hương Thảo đi du học khi đã 36 tuổi, đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác.

Thời gian vừa qua, cái tên Nguyễn Hương Thảo được nhắc nhiều trên báo chí như một hiện tượng, bởi câu chuyện trải nghiệm du lịch qua 41 nước trong vòng một năm, trong thời gian đi du học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh – và vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc, sau đó.

Cô được mời đến hàng loạt Diễn đàn du học, để chia sẻ kiến thức, tiếp sức cho những du học sinh khác. 
Nghe âm thanh tại đây:
"Chắc là con nhà quan lớn, đại gia"...
Câu chuyện của Nguyễn Hương Thảo được thuật trên các báo, hay trên mạng, ngoài đa số những phản hồi tích cực, cũng vẫn có đôi ý kiến đầy hoài nghi như “đi du lịch rất tốn kém, tiền ở đâu để đi du lịch hơn 40  quốc gia trong vòng 1 năm?”, “chắc là con quan lớn, cha mẹ hay ông bà là đại gia giàu có chứ con nhà dân chắc gì có cơ hội đi khắp nơi như vậy.”

Điều hài hước là, Thảo “không có tài sản gì nhiều ngoài số sách đã đọc và số bước chân đã chạy bộ, đã đi trên nhiều vùng đất. Thực ra, để bước chân có thể sải rộng đến từng đó nơi, không chỉ có tiền là làm được. Mà quan trọng nhất phải là người có tinh thần yêu đời, có sự dũng cảm và phải có sức khỏe mới làm được như vậy.

Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 1Nguyễn Hương Thảo luôn gây ấn tượng cho người đối diện bởi sự năng động và tràn đầy nhiệt huyết. -Ảnh: FB nhân vật

”Thực ra mình sẽ vác ba lô đi theo cách du lịch tự túc đơn giản gọn nhẹ nhất có thể. Chi phí tốn kém nhất là ăn ở và đi lại. Cũng may mắn là nhờ việc dạy IELTS nhiều năm nay, tôi có rất nhiều học sinh đang du học ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới, và cũng là một vận động viên chạy bộ và chơi ba môn phối hợp nhiều năm nên có mạng lưới nhiều bạn bè ở các nước khác nhau.

Trong hành trình đó, tôi nghĩ, à năm nay mình đi du học như vậy cũng là dịp tốt để kết nối với mọi người. Nên tôi lên danh sách trong các nước đi qua có người bạn nào mình muốn gặp lại, hoặc chính bạn bè qua facebook biết thông tin hành trình đã chủ động kết nối. Nhiều mối duyên như vậy. Như với một bạn ở Mỹ đã nhắn khi nào Thảo đến Mỹ nhớ đến Florida gặp nhau. Hay như Hoa Đinh, Chủ tịch nhóm (Scholarship for Vietnamese Students) Scholarship Hunters, một cô gái trẻ rất giỏi làm việc ở Google Ailen, có tư duy rất mở. Bạn ấy xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh rất bình thường, sau đó tốt nghiệp Ngoại thương, đạt những thành tích rất tốt và đi du học. Hai chị em đã tâm sự rất nhiều. Còn nhiều những người bạn khác trên hành trình. Điều tôi thích không hẳn là đi đến quốc gia này hay quốc gia kia trong danh sách đấy, mà trong hành trình ấy tôi gặp được rất nhiều người thú vị."

Báo chí mới biết đến Thảo. Nhưng trong cộng đồng các phụ huynh và học sinh ở Hà Nội, cô Nguyễn Hương Thảo từ chục năm nay đã là một giáo viên dạy luyện thi IELTS có tiếng, đắt “sô”. Vào lớp cô Thảo không dễ, bởi lịch của cô hầu như kín mít: dạy học là một phần, phần nữa dành cho gia đình, phần nữa dành cho những hoạt động thể thao mà cô rất yêu thích là các giải chạy maraton và bơi lội.

Để bắt đầu, không có tuổi nào là muộn

36-37 tuổi, đang độ tuổi chín của người phụ nữ, trong “khoảng an toàn” khi mà gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, thì Thảo quyết định đi du học. Việc ấy không hề dễ dàng: "Tôi nói với chồng, lúc đầu anh không đồng ý. Rồi mẹ, thậm chí các em…Khi tôi nói dự định của mình với mẹ, mẹ còn nói: Sao con lại đi, mọi thứ ở nhà đang rất ổn, công việc rất tốt., khi đi phải ở một mình, đối diện với nhiều thứ…Nhưng đó là một ước mơ và tôi mong thực hiện việc ấy. 

Cái tính của mình, từ chơi thể thao hay học bất cứ một ngôn ngữ nào đó, đều làm đến cùng và không bỏ cuộc. Chồng hiểu điều đó. Động lực lớn hơn là khi đi dạy những học trò lớn tuổi, tôi đã luôn nói: Không có tuổi nào để giới hạn giấc mơ của mình. Khi muốn thực hiện việc gì mình đều có thể thực hiện và không khi nào là quá muộn cả. Mình nghĩ việc mình đi học cũng là một câu chuyện rất tốt cho các bạn học trò lớn tuổi, để các bạn ấy có động lực."

Thảo sinh ra và lớn lên ở miền quê huyện Yên Thủy, Hòa Bình, trong gia đình đông con, bố mẹ làm nông, sau làm kinh doanh tự do và chưa từng được vào học Đại học. Nhưng cha mẹ có gia tài lớn nhất truyền lại cho chị em Thảo, là sự chăm chỉ, kiên trì, cần cù vượt qua gian khó và tốt bụng với mọi người. Cô cũng như các em của mình mỗi người đều tự thành công theo cách riêng.

Sau này, “tài sản” lớn hơn cô gom góp được là gia đình nhỏ với người chồng rất thương yêu vợ con, cũng như cha mẹ, anh em nhà chồng dù cô làm gì cũng đều tin tưởng và tự hào. Cuộc sống kinh tế của hai vợ chồng chỉ vừa đủ, vì đều bỏ nghề ngân hàng, dạy học tự do, nhưng đầy ắp tình yêu thương.

Ước mơ tiếp tục đi du học và khám phá thế giới, vẫn luôn thường trực trong Thảo. "Tôi đã có dự định này từ khi bắt đầu học tiếng Anh. Tôi học Tiếng Anh khá muộn, khoảng 23 tuổi. Từ bé học chuyên Pháp, học Ngoại thương khoa kinh tế đối ngoại cũng tiếng Pháp, rồi có học bổng toàn phần Thạc sĩ kinh tế cũng ở Paris. Trở về làm việc hai năm ở một Ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, tôi nhận ra để phát triển hay để làm tốt bất cứ công việc nào ở Việt Nam, nhất định phải giỏi tiếng Anh, nên tôi đã quyết định tự học. Khi học tiếng Pháp đã được đi Pháp, nên tôi cũng muốn khi học tiếng Anh cũng sẽ được học ở một quốc gia nói tiếng Anh.

Nhưng rồi là phụ nữ, có gia đình, có con nhỏ.. tôi vẫn nuôi ước mơ đó, mà mất hơn 10 năm để thực hiện. Đặc biệt lúc covid, tất cả các hoạt động đóng lại hai năm, là khoảng thời gian mình bình tĩnh hơn, để học sâu hơn, thực hiện những dự định cá nhân của mình. Nên quyết định sau covid sẽ lên đường. Mình đã làm việc rất nhiều năm. Đây là khoảng thời gian rất tốt để đến với những nơi mình muốn, gặp những người mình yêu quý và làm những việc mình thích. Nên thực ra có chi bao nhiêu cũng không là quá nhiều cho những gì mình gặt hái được" - Thảo nhớ lại.

Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 2

Làm hồ sơ du học, được bạn bè động viên, Thảo đã thử apply và được hai trường lớn nhận, gồm University of Bristol (một trường có ranking cao)  và học bổng GREAT của Hội đồng Anh Việt Nam và ĐH Westminster trao ngành Giảng dạy tiếng Anh (TESOL) tại London, Anh. Cô là người Việt duy nhất đoạt được học bổng này.

"Tôi chọn trường Westminster vì ở London, mà tôi có kế hoạch di chuyển rất nhiều, nên đó là lựa chọn tốt nhất. Hơn nữa học bổng đó là của chính phủ Anh, nên có những hỗ trợ về kết nối rất tốt. Những mạng lưới đó mạng lại cho mình giá trị lớn, những người có cùng tư tưởng, ý chí, tư duy tích cực." - Thảo nói.

Cô gái bé nhỏ đã khiến bạn bè học sinh, các thầy cô giáo kinh ngạc vì nụ cười rạng rỡ và năng lượng tích cực luôn lan tỏa tới người xung quanh. Cô học tập chăm chỉ, nhưng vẫn sắp xếp thời gian để dạy tiếng Anh online và đi trải nghiệm. Hoàn thành luận văn tốt nghiệp, cô quyết định tạm dừng dạy học và dành nửa năm đi du lịch toàn thời gian vòng quanh thế giới với số tiền tiết kiệm dành dụm được. Bản thân cô rất tích cực tham gia các hoạt động, của nhà trường, của cộng đồng người Việt, giúp đỡ mọi người.

"Vì mình đã nhận được học bổng nên cũng muốn làm một việc gì đó để đóng góp. Tôi tham gia rất nhiều hoạt động, kể cả thi hát dù hát không hay nhưng vẫn nhiệt tình xung phong. Trải nghiệm cuộc sống sinh viên nhiều nhất có thể, lúc nào cũng có một tinh thần muốn đóng góp, có mối liên hệ tốt với các bạn sinh viên ở đấy. Mỗi sáng thức dậy đều có một mục tiêu gì đó để làm." - Thảo chia sẻ.
Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 3Thảo cùng các bạn và giảng viên trong lớp học. - Ảnh: FB nhân vật

"Tôi muốn được nghe nhiều câu chuyện"

Những khó khăn sẽ rất nhiều, ngay từ những bước đầu tiên, nhất là với một du học sinh thạc sĩ, khi Thảo đặt quyết tâm tốt nghiệp phải ở mức xuất sắc nhất: "Việc đi chơi với người Việt, rất khó khăn trong việc xin visa. Passport của mình yếu, nên đi đâu cũng phải xin visa và cần thời gian. Nên tôi đã xác định 6 tháng đầu sang Anh tập trung vào việc học, và chỉ đi quanh nước Anh trước. Trong suốt 2-3 tháng đầu đi được 12-15 thành phố. Tôi đã xác định từ trước, là đến hè mới đi Châu Âu và các nước khác." 

Nguyễn Hương Thảo chia sẻ, khi đi nhiều như thế, cũng có người nói là “đi du lịch theo kiểu Việt”, với ý chê là đi chỉ để lấy số lượng. Nhưng Thảo nghĩ, với mỗi người, sẽ lựa chọn cách đi, cách cảm theo khả năng, theo mục tiêu của chính mình: "Để làm việc ấy cần sức khỏe. Và cũng cần sự dũng cảm một chút. Tôi có một cô em ở Hy Lạp,. Vì cô ấy trẻ hơn nên còn muốn khám phá nhiều hơn, dù kinh phí hạn hẹp. Cô ấy chuyên mua vé đêm để sáng ra đã đến một nước mới, tiết kiệm tiền hotel, hoặc đi máy bay thì ngủ ở sân bay…Cái tinh thần đấy rất đáng nể. Phải có quyết tâm cao, chịu khó để tìm được những thông tin để thực hiện những chuyến đi như vậy."

Và trong hành trình trải nghiệm đó, Thảo đi Mỹ hai lần trong năm 2023, khám phá nước Mỹ bằng môn thể thao chạy bộ cô yêu thích. Tham gia giải chạy Los Angeles Marathon 42km, Thảo được tỉ phú Tim Leatherman là Chủ tịch của Công ty Leatherman ủng hộ một số tiền lớn giúp chiến dịch Thảo gây quỹ từ thiện cho tổ chức TMF của Mỹ - tổ chức nghiên cứu và cứu chữa các bệnh nhân có bệnh về thần kinh như Alzheimer.

Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 4Nguyễn Hương Thảo cùng các cổ động viên tại giải chạy Los Angeles Marathon 42km, là giải chạy cô kêu gọi được bạn bè, cộng đồng và  tỉ phú Tim Leatherman (Chủ tịch Công ty Leatherman) ủng hộ chiến dịch gây quỹ từ thiện cho tổ chức TMF của Mỹ. - Ảnh: FB nhân vật

Thảo chọn lựa chạy bộ, vì một mục tiêu rõ ràng: "Với chạy bộ mình sẽ cảm nhận rõ cái không khí, những giọng nói, những hình ảnh xung quanh, rất chậm. Mình được tham gia vào một không khí của một đường chạy rất đông người.

Những năm gần đây, tôi chủ động chọn tốc độ khá chậm, vì mục đích của mình không phải là để chiến thắng ai, mà chỉ cần hoàn thành giải và nói chuyện được với nhiều người trên đường. Phảo chạy chậm thì mới nói chuyện dược.

Tôi muốn được nghe nhiều câu chuyện. Tôi từng gặp một bác người Mỹ, đã hơn 80 tuổi, đã chạy hơn 200 giải maraton trên khắp thế giới. Hoặc có những người khuyết tật nhưng họ vẫn rất nghị lực. Nói chuyện với họ rất thú vị và tôi cũng học hỏi được nhiều từ họ" - Thảo nói.

Đằng sau một người thành công...là những người tin tưởng

Thực sự muốn đi, để có quãng thời gian trải nghiệm thêm về văn hóa Anh, vừa nâng cao về kiến thức chuyên môn nghề nghiệp của mình, học được những điều mới, Thảo nói: " Một năm đi du học và trải nghiệm, thực sự tôi cũng bất ngờ. Ngồi nghĩ lại, tôi cũng không nghĩ vì sao trong một năm đấy mình lại có thể làm được rất nhiều thứ như thế. Số lượng rất khủng khiếp mà việc nào mình cũng thấy rất tốt, rất hào hứng. Đôi khi cũng có những thất bại như cuộc thi hát không vào được vòng trong. Nhưng điều vui nhất là sau cuộc thi đấy rất nhiều các em du học sinh nói là: rất nể tinh thần của chị.

Đúng là sau khi đi về thì mọi mối quan hệ gia đình càng tốt hơn, sau khi xa nhà mình được yêu thương nhiều hơn."

Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 5Gia đình là hậu phương vững chắc của Thảo. Cả chồng và con cô đều tích cực tham gia các hoạt động thể thao - Ảnh: Fb nhân vật.

Tại sao Thảo làm được như vậy?  "Tôi có một cách của mình: đó là lập kế hoạch bằng file excel. Trong file đấy, mỗi cuối năm, đầu năm luôn ngồi lại xem mình muốn làm gì, luôn viết ra mục tiêu lớn nhất trong 1 năm, thường từ 3-5 mục tiêu lớn, những bước thực hiện, hạn chót…Sắp xếp làm sao để mọi việc không chồng chéo, ưu tiên việc gì và đạt hiệu quả có thể." - Thảo chia sẻ

Và không thể quên, đằng sau một người thành công, sẽ có một người tin tưởng. Đó là chồng Thảo, người bạn đời đã rất hiểu và chia sẻ với những ước mơ của vợ mình.

Anh Phạm Quốc Huy Linh nói: thực ra mới đầu anh không đồng ý với vợ: "Vì ngoài khoảng cách thì con vẫn đang trong một giai đoạn rất cần có mẹ. Nhưng sau đó nghĩ kỹ lại, thực ra người chăm con từ trước đến giờ chủ yếu vẫn là bố nên không đến mức mất thăng bằng. Hơn nữa tôi biết đây cũng là ước mơ từ rất lâu của vợ, tưởng rằng nó bị lãng quên sau một thời gian dài, và cũng không nghĩ là còn có thể khi vợ mình đã 37 tuổi.

Nhưng có lẽ tôi đã quên mất một điều rất quan trọng, đó là vợ mình thuộc tuýp người không bao giờ từ bỏ mục tiêu. Ở một góc độ khác, về bản chất đây cũng chính là công việc. Đôi khi trong cuộc sống sẽ có những việc mà mình không muốn nhưng lại là việc mình nên làm và nên ủng hộ vì nó sẽ tốt cho tất cả mọi người.

Cô giáo một năm du lịch trải nghiệm qua 41 quốc gia: Không có tuổi nào để giới hạn ước mơ - ảnh 6Cậu con trai 9 tuổi của Nguyễn Hương Thảo, tên ở nhà là Bon, cùng với cha về nhất tại giải chạy Edurun 2024 thuộc hệ thống giáo dục Vinschool.

Trong năm qua, cả gia đình nhỏ của Thảo đều “được lên báo”. Cậu con trai 9 tuổi, tên ở nhà là Bon, cùng với cha đã về nhất giải chạy Edurun 2024 thuộc hệ thống giáo dục Vinschool, nối dài chuỗi thành tích khủng về các giải thưởng về trí và lực. Người đứng phía sau hầu hết các giải thưởng và trải nghiệm của Bon, chính là ông bố Phạm Quốc Huy Linh. Nhân tiện dạy con về toán tư duy, Linh cũng mở một lớp nhỏ vừa đủ để con có các bạn khác cùng học. Còn các môn thể thao, môn nào con yêu thích, ông bố sẽ tập cùng.

Thảo thuật lại: “Một cách phạt con của bố Bon mà mình thấy khá hay. Một công đôi việc. Đó chính là chạy cầu thang. Ngoài việc chạy hàng ngày theo lượt đã thống nhất của hai bố con thì cứ khi nào con phạm bất kì lỗi gì, ở nhà hay ở trường, đều được bố quy ra số lần chạy cầu thang. Vừa phạt được để răn đe, mà vừa giúp con có nền tảng khỏe về thể chất.”

Những câu chuyện thực tế mà hấp dẫn của Thảo, được cô thuật lại sinh động trên trang facebook cá nhân có lượng theo dõi khá lớn.  

Và cô đang được các “bạn đọc” của mình thúc giục viết sách, chia sẻ lại những kinh nghiệm. Kinh nghiệm lấy học bổng khủng, kinh nghiệm du học, kinh nghiệm bỏ túi đi du lịch các nước, kinh nghiệm nuôi con…

Thảo đã quyết tâm rồi. Hãy chờ đợi điều thú vị mới này nhé!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác