Thúc đẩy thị trường trong nước - động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024

(VOV5) - Với dân số hơn 100 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ 20%, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho dịch vụ hàng hóa, tiêu dùng, bán lẻ. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách nhằm mở rộng kênh phân phối, xây dựng thương hiệu kích cầu tiêu dùng trong nước, coi đây là một “đòn bẩy” hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới.

Thúc đẩy thị trường trong nước - động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 - ảnh 1Thị trường trong nước - động lực tăng trưởng quan trọng năm 2024. Ảnh minh họa: vov.vn

Trong khi đó, số người dân thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ dân cư thành thị cũng gia tăng nhanh chóng trong những năm qua tại Việt Nam. Thu nhập tăng trưởng nhanh khiến cho tiêu dùng của người Việt cũng tăng nhanh chóng. Năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 6.200 tỷ đồng (hơn 7,9 triệu USD), tăng 9,6% so với năm 2022.

Những yếu tố này khiến Việt Nam trở thành mảnh đất “tiềm năng” cho các nhà bán lẻ, đồng thời đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam chất lượng toàn cầu, hàng Việt Nam có chất lượng quốc gia và thương hiệu quốc gia, các sản phẩm chủ lực của các địa phương.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho rằng hiện nay doanh nghiệp Việt đang ý thức rõ được điều này, không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó có xây dựng được những kế hoạch - chiến lược hiệu quả: "Bản thân doanh nghiệp đổi mới mình, không thể theo cách truyền thống ngày xưa được. Doanh nghiệp đưa những kiến thức mới nhất vào để quản trị doanh nghiệp, trau dồi kiến thức, đầu tư, nhanh chóng tiếp cận với công nghệ. Cùng với đó, doanh nghiệp nắm bắt nhanh thông tin thị trường hàng hóa, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, đấy là những vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng là các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển là phải phối hợp hài hòa."

Theo thống kê, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60%-65% GDP; trong đó, chi tiêu hộ gia đình khoảng 50%-55% GDP.  Với dân số 100 triệu người, trong đó có 20 triệu người trung lưu sẽ tạo ra sức cầu rất lớn, dự báo đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Xu hướng tiêu dùng mới này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất những sản phẩm có lợi thế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Các doanh nghiệp cần nắm vững và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước vì với 100 triệu dân, với thu nhập tăng thêm rất nhanh, nhu cầu hàng hóa đang tăng rất cao, nếu chúng ta đáp ứng được thì thực tế là sản xuất kinh doanh của chúng ta sẽ quay trở lại rất tốt. Đây là động lực rất quan trọng để có thể phát triển bền vững trong tương lai."

Mặc dù vị thế ngày càng được khẳng định trong thời gian qua, nhưng hàng Việt vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều mặt hàng ngoại nhập có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định đối tác tiến bộ kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Thúc đẩy thị trường trong nước - động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 - ảnh 2Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ảnh: sggp.org.vn

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, kiến nghị những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ cần tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, trong đó, chú trọng đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp: "Phải thúc đẩy những nền tảng, ví dụ như phương tiện thanh toán, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiền mặt.

Tiếp theo là những kết nối, liên quan lĩnh vực logistics thì bản thân lĩnh vực phân phối này phải đầu tư để phát triển. Ngoài ra, một ngành dịch vụ cung ứng cho bán lẻ nữa cũng rất quan trọng là ngành điện toán, với góc độ phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ thì bản thân sự hỗ trợ của điện toán sẽ giúp cho người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn, công nghệ, số hóa trở thành những giải pháp gần gũi đối với người tiêu dùng..."

Theo các chuyên gia, ngoài việc cần nâng cao hiệu quả của các chính sách về kích cầu tiêu dùng và đa dạng hóa các kênh bán hàng thì còn phải chú trọng nhiều hơn nữa kênh mua sắm trực tuyến. Xu hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí kinh doanh, giữ vững thị phần và từng bước Trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều thách thức, thị trường trong nước giữ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác