Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang

(VOV5) - Hà Giang, tỉnh cực Bắc của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. 

Hà Giang đang hướng đến mục tiêu định vị du lịch của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, đưa du lịch thành động lực trong phát triển kinh tế.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Từ năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu, thương hiệu du lịch của Hà Giang đã không ngừng phát triển.
Tỉnh đã khai thác giá trị của Cao nguyên đá, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá 19 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá. Đến nay, hình ảnh du lịch Hà Giang đã được mang tính đặc trưng riêng.
Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang - ảnh 1Hà Giang, tỉnh cực Bắc của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Ảnh: TT

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho biết:"Hà Giang chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và giữ nguyên vẹn những di sản mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn. Hiện nay, chúng tôi duy trì các lễ hội truyền thống để du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Giang được trải nghiệm. Đây là cách làm và hướng phát triển của du lịch Hà Giang."

Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thu hút trên 3 triệu lượt khách. Định hướng đến năm 2030, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỉ đồng (hơn 800 triệu USD), đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động. Ngoài việc chú trọng phát triển du lịch dựa trên các giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, Hà Giang đang hình thành và đưa vào khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp.

Bà Triệu Thị Tình cho biết thêm:"Việc duy trì thương hiệu du lịch của Hà Giang với chúng tôi đã rất khó, việc định vị cho sản phẩm đặc biệt hơn nữa thì phải là một quá trình. Trong thời gian vừa qua, với chỉ đạo, định hướng rất sát sao của chính quyền địa phương, có thể khẳng định rằng thương hiệu của Hà Giang đã và đang được định vị, phát triển. Chúng tôi đã và đang xây dựng một thương hiệu du lịch đến du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là khách quốc tế."

Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang - ảnh 2Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thu hút trên 3 triệu lượt khách. Ảnh: TT

Tại Hội thảo Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, các chuyên gia cho rằng với việc khai thác các giá trị cốt lõi, sản phẩm du lịch đặc sắc, theo hướng xanh và bền vững… đang chứng minh Hà Giang là điểm đến mới nổi châu Á.

Ông Lee Kyung Taek, Phó trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, cho rằng: "Tôi cho rằng Hà Giang tiếp tục cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để thu hút khách quốc tế. Hà Giang có phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, xinh đẹp, vì vậy cần xây dựng các sản phẩm liên tuyến với các tỉnh trong khu vực. Việc khai thác yếu tố thiên nhiên với các loại hình thể thao dưới nước, cáp treo, cầu ngắm cảnh… để thu hút khách du lịch quốc tế nói chung, khách Hàn Quốc nói riêng, là cần thiết."

Theo Tiến sỹ Vũ Nam, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Giang cần chuẩn bị tốt về nguồn lực; tăng cường hợp tác giữa các huyện, thị, các điểm du lịch để tạo nên một không gian du lịch đặc sắc, bền vững.

Đồng thời, Hà Giang cần chủ động xây dựng, đề xuất các kế hoạch, chính sách mới phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển: "Hà Giang cần chú ý giá trị khác biệt so với các địa phương khác trong nước và thế giới. Trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, Hà Giang phải tạo cho khách du lịch “cảm xúc khác biệt” để du khách lựa chọn và mua các sản phẩm du lịch của địa phương. Từ đó, các sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, giá trị cao hơn; khách du lịch sẽ lựa chọn đến nơi đây nhiều hơn và tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch Hà Giang."

Hiện tại, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp, hợp tác xã có mã ngành và chức năng kinh doanh dịch vụ lữ hành; gần 900 cơ sở lưu trú du lịch. Du lịch Hà Giang nhiều năm gần dây được bình chọn là điểm đến hấp dẫn, bản sắc, phong cảnh hoang sơ, hùng vỹ. Những yếu tố thuận này cùng việc xây dựng thành công thương hiệu du lịch Hà Giang sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, đưa đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác