Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức: đoàn kết để chia sẻ tình thân ái

(VOV5) - Tuy mới thành lập, Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động đóng góp tích cực để đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, hội nhập ở nước sở tại cũng như hướng về quê hương.

Theo con số thống kê không chính thức, cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức là một cộng đồng tương đối lớn với khoảng 200.000 ngàn người sinh sống. Trong bối cảnh toàn nước Đức có khoảng 150 hội đoàn chính thức, với nhiều câu lạc bộ, hội phụ nữ quy mô còn khiêm tốn, tháng 10/2023 Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức đã chính thức ra đời, như một tổ chức liên kết các hội phụ nữ với nhau, cùng đoàn kết xây dựng phong trào cộng đồng chung.

Dù mới thành lập, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức đã tham gia tích cực trong Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu, và có nhiều hoạt động thiết thực. Phóng viên VOV5 phỏng vấn bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tạiCHLB Đức, Tổng giám đốc TTTM Thái Bình Dương về những hoạt động này.

Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức: đoàn kết để chia sẻ tình thân ái - ảnh 1Bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức (bên trái) cùng với bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, trong Đại hội thành lập Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Đức.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại Đức đã được thành lập cách đây chưa lâu, nhưng cũng đã có những hoạt động gây tiếng vang nhất định. Bà có thể chia sẻ cho thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam về những hoạt động kể từ khi thành lập cho tới nay? 

Bà Trịnh Thị Mùi: Sau khi Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu ra đời và tất cả chị em phụ nữ Đức đã đến dự tại thủ đô Budapest, khi chúng tôi về đã khẩn trương để thành lập Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức. Ngày mồng 1/10/2023 thì đã chính thức Đại hội và đã thành công. Mà trong đó có 132 hội đoàn đại diện cho hơn 10.000 chị em đã tham gia vào Liên hiệp phụ nữ này.

Từ đó đến giờ chúng tôi đã làm được khá nhiều những việc có  ích. Ví dụ tháng 10, vừa ra đời, đã quyên góp ngay khi vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội, cho những nạn nhân bị thiệt hại hơn 120 triệu. Và vừa rồi cũng vừa phát động chương trình Ăn Tết cùng phụ nữ nghèo, được hơn 160 triệu, thì có một đoàn chị em về ăn Tết thăm quê hương mang đến cho người nghèo ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức: đoàn kết để chia sẻ tình thân ái - ảnh 2Dịp Tết, đại diện Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức đã trao quà cho phụ nữ khó khăn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - Ảnh: FB Hải Vân

Trong dịp mùng 8/3, kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi cũng đang chuẩn bị một chương trình rất lớn, có lẽ sẽ lớn nhất từ xưa đến giờ. Tức là Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức sẽ tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ với tất cả các chị em phụ nữ của châu Âu. Hiện nay đã nhận được sự đồng hành của chương trình Hoa hậu Áo dài phu nhân của các người đẹp cũng sẽ đến trình diễn các bộ sưu tập. Và chị em phụ nữ ở các nước như Hungary, Hà Lan...cũng đã liên hệ.

Đặc biệt là ngày mùng 9/3 tại thủ đô Berlin, sẽ ra mắt Ban điều hành của Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu. Đương nhiên Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức trong năm 2024 cũng có một số chương trình dự kiến mà chúng tôi chưa triển khai, như chương trình du lịch, chương trình kỷ niệm 1 năm ngày thành lập,  kỷ niệm ngày 20 tháng 10... Đấy là một số chương trình đã có dự kiến.

Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức: đoàn kết để chia sẻ tình thân ái - ảnh 3Buổi gặp mặt đầu tiên của Ban chấp hành và ban thiện nguyện Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức sau đại hội thành lập Liên hiệp hội - Ảnh: FB Kim Dung.


PV: Như bà đã từng chia sẻ trong những câu chuyện trước đó, thì Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức được thành lập là kết quả của sự mong mỏi từ rất lâu, từ nhiều năm, của nhiều người tâm huyết, cố gắng mà chưa thực hiện được, nhưng mà nay đã hình thành. Mục đích của việc thành lập Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức được đặt ra như thế nào?
Bà Trịnh Thị Mùi: Khi mà thành lập Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, ngoài mục đích là đoàn kết để chị em ở bên Đông bên Tây - vì nước Đức rất lớn, 16 bang và phức tạp nhất ở châu Âu, các chị em rất nhiều thành phần, rất nhiều quan điểm và đất nước rộng lớn như th, nên nếu như tập hợp được, đoàn kết trong một tổ chức chung, thì nó sẽ có sức lan tỏa và không còn có sự ngăn cách giữa đông và tây nữa. Ngoài ra, mục đích cũng là phải hội nhập, hướng về quê hương và cùng nhau phát triển.
PV: Hoạt động trên một địa bàn rộng lớn như vậy thì cơ cấu hoạt động của tổ chức như thế nào?
Bà Trịnh Thị Mùi: Hiện nay chúng tôi có một Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch. 8 Phó Chủ tịch trên 16 bang, tức là bang nào lớn thì sẽ có Phó Chủ tịch. Ngoài ra, có 29 ủy viên, các ủy viên này đều nằm rải rác ở 16 bang. Có cả các hệ thống thủ quỹ, kế toán, ban lễ tân, ban tuyên truyền, ban từ thiện...Đặc điểm của Liên hiệp phụ nữ là có làm từ thiện nên có cả ban từ thiện để làm từ thiện trong nước và ngoài nước. Ngoài ra còn có ban thiện nguyện nữa. Ban thiện nguyện thành lập đê tổ chức các tình nguyện viên sẽ giúp những người phụ nữ cô đơn, ốm đau ở Đức, đến chăm sóc về mặt tinh thần.
PV: Bà có thể chia sẻ nhiều hơn về các hoạt động của Ban thiện nguyện, một hoạt động có vẻ khá đặc biệt?
Ban đó do một ủy viên của Ban chấp hành Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại Đức làm Trưởng ban, và Phó ban cũng như các tình nguyện viên là các hội viên. Ban cũng nằm rải rác khắp nước Đức, tức là mỗi một tiểu bang cũng có những tình nguyện viên tham gia, nhưng phần lớn tại Berlin, vì đây tập trung các chị em phụ nữ đông nhất nước Đức, gần như chiếm một nửa nên các tình nguyện viên ở Berlin sẽ đông hơn.

Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức: đoàn kết để chia sẻ tình thân ái - ảnh 4Chị em Ban Thiện nguyện đi thăm hỏi đồng hương tại CHLB Đức - Ảnh: Kimthanh Le

Khi mà các mạng lưới nghe tin có những chị em phụ nữ người Việt mình ví dụ như cao tuổi hoặc ốm đau mà neo đơn, xa gia đình hoặc cũng có nhiều chị em chồng con vẫn còn ở Việt Nam, thì các tình nguyện viên sẵn sàng đến thăm hỏi và chia sẻ về mặt tinh thần.

Ban thiện nguyện hình thành trên tinh thần nhu cầu thực tế. Thực tế nhiều chị em người Việt ở Đức khi đi sang đây làm việc, công tác, lao động thì độc thân, nên khi ốm đau hoặc vào nhà dưỡng lão không có chồng con bên cạnh, chỉ có một mình thôi. Rất nhiều người như thế. Trong thời gian họ nằm nhà dưỡng lão hoặc họ đang mang một bệnh gì đó mà phải nằm ở bệnh viện rất là lâu, cả năm, thì họ rất cần những sự chia sẻ tình cảm của người Việt. Ban thiện nguyện này ra đời trên trên nhu cầu thực tế như thế.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này và chúc cho hoạt động của Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đức ngày càng khởi sắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác