Chính sách liên quan đến kiều bào cần phải được thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương

(VOV5) - Tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là một nội dung quan trọng trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.


Đâu là những yếu tố then chốt để công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài đạt hiệu quả cao? Ông Tài Phương, doanh nhân người Việt ở Mỹ sẽ thông tin đến quý thính giả về công tác kiều bào từ khía cạnh đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. 

Chính sách liên quan đến kiều bào cần phải được thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương - ảnh 1

Ông Nguyễn Tài Phương trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 tại phòng thu. Ảnh: Lan Phương

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây: 


Phóng viên: Thưa ông, là một người đã về Việt nam đầu tư nhiều năm, ông quan tâm những nội dung gì trong Dự thảo báo cáo chính trị đưa ra lấy ý kiến người dân và kiều bào?


Ông Nguyễn Tài Phương: Đối với chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004, cho tới gần đây là Chỉ thị số 45 của Chính phủ vừa ban hành. Tôi thấy chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài không hề thay đổi. Chính sách này càng được nhấn mạnh hơn trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Chính sách của chúng ta đối với bà con rất cởi mở và tạo nhiều điều kiện để kiều bào tham gia vào xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời cũng tạo nhiều điều kiện để bà con ta ở nước ngoài an tâm định cư và đóng góp nhiều vào nước sở tại. 

Nhưng vẫn còn có những điều khiếm khuyết, chưa đạt được như mong muốn của kiều bào khi hướng về quê hương, đất nước. Chính vì thế mà Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là con người trong thực thi chính sách.


Phóng viên: Như thông tin ông vừa cho biết thì Chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề thực hiện còn chưa được rõ nét. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?


Ông Nguyễn Tài Phương: Tôi thấy rằng, điều quan trọng nhất vẫn là người thực thi pháp luật, thực thi chính sách. Khi thực hiện chính sách mà những người thực hiện từ cấp cơ sở mà không nắm vững thì rất khó cho công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thí dụ về vấn đề xuất nhập cảnh hay lưu trú, những người thực thi pháp luật không nắm vững, hiểu chưa thấu dẫn đến giải quyết những vấn đề vướng mắc ở dưới địa phương không được như mong muốn của kiều bào. 


Thứ hai, để huy động tiềm lực của bà con kiều bào về xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ đất nước, thì mũi nhọn kinh tế cần được đột phá. Thu hút đầu tư kiều bào càng liên quan đến những người thực thi pháp luật ở địa phương, cơ sở. Nếu như không quán triệt được một cách rõ nét và hiểu sâu về chính sách thì việc triển khai trong công tác cộng đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 



Chính sách liên quan đến kiều bào cần phải được thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương - ảnh 2

 

Phóng viên: Ông là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt nam đã đi tìm hiểu đời sống kiều bào ở một số nơi trên thế giới. Ông nhận định như thế nào về nguồn lực, đặc biệt là về kinh tế của kiều bào trong việc thu hút đầu tư cũng như kết nối với đất nước thời gian qua?

Ông Nguyễn Tài Phương: Hiện nay có nhiều đề án nghiên cứu ở trong nước tìm hiểu về nguồn lực kiều bào và đánh giá rất cao nguồn lực này. Chúng ta nên chia ra các khu vực khác nhau. Khu vực thứ nhất là cộng đồng đang sống ở các nước phát triển, có trình độ khoa học kỹ thuật cao và tiềm lực kinh tế mạnh. Thế hệ thứ nhất đã có nhiều người thành đạt ở nước ngoài, nhưng nối tiếp thế hệ thứ hai cũng đang phát triển mạnh mẽ. Nếu mà chúng ta huy động được nguồn lực vừa mạnh về khoa học kỹ thuật và cả về kinh tế, sẽ tạo được bước đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật ở trong nước.


Phóng viên: Theo ông,về mặt chính sách chúng ta phải nhấn mạnh vấn đề gì để nguồn lực này phát huy tốt nhất trong thời gian tới?


Ông Nguyễn Tài Phương: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gần 4 triệu người. Đầu tầu về phát triển mọi mặt là ở các nước Bắc Mỹ. Chính vì vậy khi triển khai chính sách kinh tế đối ngoại và đại đoàn kết dân tộc, tôi thấy rằng chúng ta nên phân vùng và có những ưu tiên đặc thù. Hơn nữa, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và giúp đỡ các doanh nghiệp đã trở về đầu tư ở trong nước. Chúng ta phải luôn suy nghĩ rằng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp việt kiều này thành công thì kết quả công thì chúng ta mới thành công được. 


Phóng viên: Xin cảm ơn ông. 

Phản hồi

Các tin/bài khác