Trả lời về thủ tục mang hai quốc tịch, điều kiện du học Mỹ, thông tin về người Hà Nhì đón Tết

(VOV5) - Bạn nghe đài hỏi: “  Tôi lấy chồng Hàn Quốc, vẫn có quốc tịch VN. Tôi muốn con tôi  mang hai quốc tịch được không?”. Thính giả cũng muốn được tư vấn về thủ tục hủy hợp đồng lao động khi chưa hết thời hạn để trở về Việt Nam đối với các trường hợp đi xuất khẩu lao động. Người Hà Nhì đón Tết sớm và phong tục đón Tết của người Hà Nhì là một nét văn hóa mà nhiều thính giả sống ở nước ngoài quan tâm. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn! 
Tuần qua, chương trình nhận được khá nhiều thư của thính giả ở nước ngoài gửi về. Lê Trung Kiên, ở Khacôp, Ucraina gửi bài cộng tác; Nguyễn Thị Hường, ở Cộng hòa Sec, Phạm Bích Hạnh, ở Đức gửi thư cảm ơn về chương trình đã tuyên truyền về tọa đàm dạy tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài trên sóng phát thanh. Bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “ chắc chắn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ quan tâm tới tiếng Việt nhiều hơn nữa qua chương trình này”. Thính giả An Thiện, ở Cộng hòa Pháp; Minh Tâm ở Đan Mạch yêu cầu thưởng thức những ca khúc Việt nam; Chương trình cũng nhận được thư của thính giả hỏi thăm, trò chuyện với các biên tập viên của chương trình: Hoàng Lộc, ở Anh; Kim Chi, ở Hung ga ri, Ông Gô, ở Đan Mạch; Vũ Thị Hà, ở Cộng hòa Sec…Chương trình cũng nhận được tin, bài của các cộng tác viên, các cơ quan thường trú ở nước ngoài. Qua trang web vov5, thính giả vẫn tiếp tục theo dõi và đưa ra những ý kiến, chia sẻ về các bài viết trên trang web. Cám ơn thính giả đã đồng hành cùng với chương trình.

Vẫn là những lá thư yêu cầu giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Tuần này, bạn Thu Lan hỏi: “Tôi lấy chồng Hàn Quốc, có con 2 tuổi. Hiện tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Tôi muốn con tôi mang 2 quốc tịch có được không? Nếu được thì thủ tục giấy tờ cần những gì?”

Bạn Lan thân mến! Theo quy định của Pháp luật, nếu con bạn được sinh tại Việt Nam, cháu sẽ có quốc tịch Việt Nam.

Nếu muốn cháu có hai quốc tịch (Việt Nam và Hàn Quốc), bạn cần tìm hiểu xem pháp luật Hàn Quốc có cho phép song tịch hay không. Nếu có, bạn làm thủ tục xin nhập quốc tịch Hàn Quốc cho cháu, và trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày con bạn có quốc tịch nước ngoài, bạn phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp địa phương nơi vợ chồng bạn cư trú biết việc con bạn có quốc tịch nước ngoài

Nếu con bạn sinh ra ở nước ngoài, theo quy định, con đẻ của công dân Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam và có thể vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài. Bạn chuẩn bị cho con 03 bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

c) Bản khai lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

Hồ sơ được nộp cho Sở Tư pháp nơi gia đình bạn cư trú. Bạn lưu ý với những văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cũng liên quan về người Việt Nam tại Hàn Quốc, một thính giả hỏi: “Tôi là công dân Thành phố Vinh - Nghệ An đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, trước khi đi đã nộp phí bảo lãnh cho đơn vị đưa đi lao động, chưa hết hạn hợp đồng tôi bỏ ra làm ngoài đã 5 năm, nay muốn về Việt Nam thì phải làm những thủ tục nào?”

Bạn thân mến! Để có thể về Việt Nam thì bạn cần phải thực hiện các thủ tục để được xuất cảnh khỏi Hàn Quốc và nhập cảnh về Việt Nam.

Xuất cảnh khỏi Hàn Quốc

Bạn cần phải tìm hiểu điều kiện và thủ tục xuất cảnh theo pháp luật Hàn Quốc. Đối với thủ tục này bạn có thể tham khảo tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hàn Quốc.  

Nhập cảnh về Việt Nam

Thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam của công dân Việt Nam:

Trong trường hợp bạn còn hộ chiếu có giá trị sử dụng (còn thời hạn), bạn được nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần phải thực hiện thêm thủ tục nào.

Trong trường hợp bạn bị mất hộ chiếu, bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp lại hộ chiếu tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hàn Quốc;

 Trong trường hợp bạn không còn hộ chiếu còn giá trị sử dụng (hết hạn) thì bạn cần thực hiện thủ tục cấp giấy thông hành tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hàn Quốc để được nhập cảnh về Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thành hỏi: “Con tôi đang học năm thứ 2 cao đẳng cộng đồng bang California, dự định học ngành thiết kế nội thất hoặc kiến trúc Đại học Cincinati. Điều kiện chuyển tiếp như thế nào? Ngay bây giờ cháu cần chuẩn bị những gì?”

Về câu hỏi này, chúng tôi xin trả lời: Nếu trường cao đẳng cộng đồng mà con bạn chọn được chứng nhận bởi Western Association of Colleges and Schools thì việc chuyển tiếp sang học hai năm cuối tại Đại học Cincinnati là hoàn toàn khả thi, với điều kiện các môn con bạn đã học khớp với số môn quy định chuyển tiếp tại Đại học Cincinnati.

Quý thính giả thân mến !  Nhiều bạn ở nước ngoài muốn biết thông tin về đón Tết cùng người Hà Nhì vì họ biết là tháng 10 âm lịch này, người Hà Nhì thường tổ chức Tết sớm.

  Chúng tôi xin thông tin cho các bạn: Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 10 âm lịch hằng năm, người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên) lại tổ chức đón tết. Người Hà Nhì ăn tết sớm hơn Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm vừa thu hoạch mùa màng xong, người Hà Nhì tổ chức ăn tết để mừng cho vụ mùa bội thu trong năm, đồng thời cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Người Hà Nhì thường ăn tết trong 5 ngày. “Ngày tết đầu tiên được tính từ ngày Thìn (tức là ngày con rồng) của tháng 10 âm lịch. Ngày Thìn theo quan niệm của người Hà Nhì tượng trưng cho sự phồn thịnh, giàu sang. Thường là sau khi thịt lợn xong, những người già trong gia đình sẽ cùng nhau xem gan lợn để dự báo xem mùa màng năm sau sẽ như thế nào, gia đình có được suôn sẻ, cũng như chăn nuôi có được hay không. Mâm cỗ cúng của người Hà Nhì gồm có thịt lợn, gà, rượu, bánh chưng, bánh giầy. Trong bài cúng ngày tết năm mới, người dân luôn cầu mong 3 điều ước lớn nhất: Cầu mong cho mùa màng tươi tốt; gia đình khoẻ mạnh và chăn nuôi phát triển. Người Hà Nhì không phân biệt tổ tiên nội ngoại. Trong bài cúng của người Hà Nhì cũng đề cao cả hai dòng họ. Sau bữa cơm tụ họp gia đình, mọi người lựa chọn bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất để đi hát, đi chúc tết từ bản nọ sang bản kia. Trong suốt những ngày tết, người dân Hà Nhì cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ. Bên ánh lửa bập bùng, những điệu xoè, điệu múa hòa quyện với tiếng cồng, tiếng nhạc rộn ràng báo hiệu một năm mới đã tới.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác