Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế phải được tôn trọng

(VOV5) - Đây là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng xây dựng trật tự luật pháp quốc tế trên Biển Đông:

Cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại trước các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Cộng đồng quốc tế kêu gọi tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 , coi đây là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đó là nhận định chung của dư luận quốc tế nhân kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Cách đây tròn 5 năm (ngày 12/07/2016), Tòa Trọng Tài Thường Trực thành lập theo Phụ lục 7 đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế phải được tôn trọng - ảnh 1

Bà Lan Hương, chuyên gia Pháp lý, Trưởng Nhóm Pháp lý Viện Biển Đông, Học Viện Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: "Theo tôi, Phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất đã đưa ra những câu trả lời quan trọng về một số vấn đề trong tranh chấp Biển Đông. Thứ hai, là đóng góp vào trong việc giải thích Luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật Biển quốc tế, khẳng định những giá trị phổ quát cũng như thống nhất của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trong việc giải quyết các vấn đề trên biển, khẳng định được mong muốn của tất cả các nước. Đó là xây dựng một trật tự pháp lý, một trật tự dựa trên luật lệ  không những ở Biển Đông mà còn ở các khu vực khác trên thế giới. Tất cả các nước, các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước đều phải tuân thủ và thực thi Công ước."

 Cùng ngày, một loạt các quốc gia đã ra Tuyên bố khẳng định giá trị pháp lý và tầm quan trọng của Phán quyết trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh trật tự hàng hải dựa trên luật lệ đang gặp thách thức lớn ở Biển Đông hơn bất kỳ khu vực nào khác. Bởi Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép và đe dọa các nước giáp biển ở Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải ở tuyến đường toàn cầu quan trọng này.

Trong tuyên bố nhân sự kiện này, chính phủ Canada đặc biệt lo ngại trước các hành động leo thang của Trung Quốc. Canada kêu gọi các quốc gia tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đồng thời kêu gọi tất cả các bên trong khu vực phải thể hiện sự kiềm chế và tránh hành động đơn phương, vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định ở Biển Đông.

Tại Nhật Bản, trong bản tuyên bố đưa ra ngày 12/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các bên liên quan cần phải tuân thủ phán quyết. Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và làm suy yếu pháp quyền như một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản hy vọng rằng việc các bên tuân thủ phán quyết sẽ dẫn đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne khẳng định Chính phủ Australia đã liên tục kêu gọi các bên tham gia tuân theo phán quyết của Tòa vì đây là quyết định cuối cùng và có giá trị ràng buộc với cả Trung Quốc và Philippines. Autralia khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định liên tục trong khu vực, nó cho phép tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác