Văn hóa dân tộc Mường phong phú, đa dạng, mang dấu ấn của người Việt cổ

(VOV5) -  Theo hà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng, những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa dân tộc Mường là đề cao tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và gắn kết gia tộc, cộng đồng, 

Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng là một chuyên gia rất am hiểu văn hóa dân tộc Mường. Là một người con đất Mường (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), ông đã lưu giữ, sưu tầm rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu, biên soạn sách về văn hóa dân tộc Mường.

Văn hóa dân tộc Mường phong phú, đa dạng, mang dấu ấn của người Việt cổ - ảnh 1Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường Bùi Huy Vọng.

Nghệ nhân Ưu tú, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng cho biết trong số 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường là dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình (miền Bắc Việt Nam) và tỉnh Thanh Hóa (miền Trung Việt Nam). Dân số người Mường hơn 1,5 triệu người, đứng thứ 4, sau các dân tộc: Việt, Tày, Thái.

Theo Nghệ nhân Ưu tú, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng, dân tộc Mường có nền văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng. Người Mường có gần 270 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, dân tộc Mường còn có nhiều di sản khác tuy chưa được công nhận là di sản văn hóa quốc gia nhưng cũng khá đặc sắc, như: Nhà sàn Mường, ẩm thực dân gian Mường, trang phục nữ giới Mường, Lễ hội Xuống đồng Mường Vang, hoa văn trên Tlôốc kwần - đầu váy, nghi lễ Kéo Si. Ông Bùi Huy Vọng khẳng định dân tộc Mường có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại, như: thơ dài, mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ… Ngoài ra, còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi: “Dân tộc Mường là một dân tộc bản địa sống lâu đời trên mảnh đất Hòa Bình. Người Mường cũng chính là người Việt cổ. Bởi thế, văn hóa của người Mường mang đậm hay là còn lưu giữ lại khá đậm nét cũng như là các dấu ấn của người Việt cổ. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã cho phép xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường để trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trở thành văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Một số di sản văn hóa khác, như: Mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, lễ khai Hạ hay lịch Đoi/Roi (lịch tre) đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia”.

Cũng theo chuyên gia Bùi Huy Vọng, trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc Mường, thầy mo gắn liền với vòng đời của con người. Vai trò của thầy mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an: “Thày Mo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, như một điểm tựa tinh thần chấn an các tang chủ hay là các gia đình khó khăn, ốm đau, trong lúc tang gia bối rối. Thày Mo cũng là người lưu giữ rất nhiều các tri thức dân gian, ngữ văn dân gian và các chuyện cổ. Mo Mường mang dáng dấp của dân gian Mường khi ông Mo nắm giữ những ngôn ngữ thiêng để ông Mo thực hiện các nghi lễ giải hạn, trừ tà ma. Mo Mường có đến 26 vạn câu thơ mo và được diễn xướng hết phải mất từ 13 đến 15 đêm Mo”.

Văn hóa dân tộc Mường phong phú, đa dạng, mang dấu ấn của người Việt cổ - ảnh 2Nhà máy thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao

Nghệ nhân Ưu tú, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng đã tham gia cùng các cơ quan chức năng sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa Mường đặc sắc (lễ hội đình Khênh, lễ hội Đu Vôi...) ở huyện Lạc Sơn; thực hiện biên dịch trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử. Ông đang nghiên cứu, thực hiện công trình nghiên cứu về lịch tre của người Mường và sự khác nhau của chương Mo lên trời của người Mường ở các vùng miền.

Theo Nghệ nhân Ưu tú, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng, những giá trị tiêu biểu chung nhất của di sản văn hóa dân tộc Mường là đề cao tinh thần yêu nước, yêu thương, đùm bọc, đoàn kết dân tộc và gắn kết gia tộc, cộng đồng, đề cao giá trị gia đình, biết ơn người có công và biết ơn tổ tiên, sống thuận theo tự nhiên: “Mỗi một dòng sông, một con suối, một ngọn đồi ở trong xứ Mường đều có chuyện cổ tích hay là những huyền tích, cái tích lịch sử lý giải kèm theo. Vì thế tình yêu văn hóa dân gian Mường nóng bỏng trong tôi. Tôi cũng tiếp cận với những người tài giỏi, học hỏi kinh nghiệm của họ. Mỗi một người nghệ nhân dân gian, một người nghệ sĩ, tri thức gần như đều là một từ điển sống trong đời sống, xã hội”.

Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng cho rằng văn hóa dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực mà thể hiện rõ nét nhất là kiến trúc nhà sàn, trang phục, văn hóa ẩm thực, các di tích lịch sử - văn hóa, cổ vật (Trống đồng, chiêng đồng, xanh đồng, đồ gốm trong mộ Mường...) và ở các lĩnh vực khác, như: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn. Người Mường ở tỉnh Hòa Bình là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình”, một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đã hình thành cách ngày nay hơn hai vạn năm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác