Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Tôi vui và tự hào khi có cả một chùm bài hát ngợi ca bản hùng ca Điện Biên năm ấy“

(VOV5) - Người nghe sẽ cảm nhận được ngay chiến địa xưa nằm ờ vùng núi Tây Bắc qua nét giai điệu lúng liếng, ngọt ngào và rộn ràng réo rắt của âm hưởng dân ca Thái...

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã trở thành chất liệu, khơi nguồn cảm hứng để các văn nghệ sỹ cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc ở mọi thể loại. Trong âm nhạc, cùng với những tác phẩm được sinh ra ngay trong những giai đoạn đáng nhớ nhất của cuộc chiến, thì cho đến sau này nhiều nhà thơ, nhạc sĩ vẫn nối tiếp truyền thống sáng tác về Điện Biên và cho ra đời nhiều ca khúc được đón nhận với những tình cảm tốt đẹp nhất, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của một đề tài lịch sử.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Tôi vui và tự hào khi có cả một chùm bài hát ngợi ca bản hùng ca Điện Biên năm ấy“ - ảnh 1Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

BTV Bảo Trang giới thiệu những khúc hát về Điện Biên của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người đã từng có 2 album ca khúc kỉ niệm sự kiện ý nghĩa này.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:
 

Lửa hội Điện Biên là tên của album bao gồm 10 ca khúc mà nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ thơ của 2 nhà thơ, nhà báo Lê Nguyên và Đoàn Hoài Trung. Tiếp sau đó, album Điểm hẹn xòe hoa cũng đã ra đời, với thêm những ca khúc phổ từ thơ của Đại tá - Nhà thơ Anh Ngọc và nhà thơ Dương Trọng Dật, nguyên Tổng biên tập báo Sài gòn giải phóng.

Qua những ca khúc, ta thấy được không khí hát mừng ngày chiến thắng; hiểu thêm về những gian khổ, tinh thần quyết chiến và cả những hy sinh mất mát tại chiến trường Điện Biên. Những bài hát cũng làm nổi bật lên hình ảnh Điện Biên hôm nay – một thành phố với biết bao đổi thay, chào đón bè bạn bốn phương về dự lễ hội.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ: "Là người làm báo, vào những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của dân tộc, tôi thấy dường như cảm xúc bị cuốn theo, thôi thúc hơn, tập trung cao độ hơn để có tác phẩm. Có hơn 30 năm sáng tác âm nhạc nhưng khi tôi viết bài hát đầu tiên về Điện Biên là lúc kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Mỗi lần kỷ niệm trước đó, mình thấy như có lỗi vì chưa có tác phẩm nào dành cho chiến thắng oai hùng ấy của cha anh. Vì thế mà, tôi có niềm vui và niềm tự hào riêng khi có cả một chùm bài hát ngợi ca bản hùng ca Điện Biên năm ấy".

Nữ nhạc sĩ – nhà báo Quỳnh Hợp là tác giả của nhiều album ca nhạc có những chủ đề riêng biệt về nhiều đề tài, địa danh trên cả nước. Những album của chị mang tính báo chí cao không chỉ phản ánh được sự kiện mà còn chuyển tải được nhịp sống, bắt nhịp được xu hướng âm nhạc đương đại với sự thể hiện của những giọng ca được yêu thích hàng đầu.

Về việc lựa chọn tác giả thơ cho chùm ca khúc về Điện Biên, nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ: "Nhà thơ Lê Nguyên là người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên với nhiều kỷ niệm, tình yêu và niềm tự hào được ông bồi hồi kể quacác bài thơ Hoa Ban, Hoa Ban mùa này, Điểm hẹn xòe hoa, Lửa hội Điện Biên. Nhà thơ Anh Ngọc thì lặng lẽ, lắng đọng với Mây trắng trời Điện Biên và Còn mãi với mùa thu. Nhà thơ Dương Trọng Dật bâng khuâng lưu luyến những đêm xòe cùng các cô gái bản mường qua Thái qua Điệu xòe xứ Thái. Trẻ nhất là Đại tá, nhà thơ, nhà báo, Đoàn Hoài Trung  – Người đã nhiều lần lên Điện Biên để tìm hiểu về cuộc chiến và những con người làm nên chiến thắng. Đoàn Hoài Trung có những góc nhìn về cuộc chiến, về một thành phố Điện Biên hôm nay chân thực, giản dị. Ngoài những bài thơ kể trực diện về cuộc chiến năm ấy như Về Mường Phăng nghe kể chuyện ngày xưa, Có một mùa đông Điện Biên, Tìm cha… thì bài thơ Chuyện tình hoa ban trắng làm dịu lại, kể sự tích hoa ban qua câu chuyện tình lãng mạn của nàng Ban và Chàng Khun".

Mỗi địa danh trên đất nước ta đều có những bài dân ca đặc trưng. Vì thế mà khi viết về Điện Biên, khó nhất là người nhạc sĩ phải làm nổi bật địa danh qua chất liệu âm dân gian đặc trưng của vùng đất đó. Với chùm ca khúc phổ thơ của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người nghe sẽ cảm nhận được ngay chiến địa xưa nằm ờ vùng núi Tây Bắc qua nét giai điệu lúng liếng, ngọt ngào và rộn ràng réo rắt của âm hưởng dân ca Thái. Phong cách thể hiện mới mẻ và đầy xúc cảm cùng những bản phối khí vừa dân gian vừa hiện đại, để rồi người nghe sẽ bồi hồi, xúc động và tự hào như được sống lại một thời tuổi trẻ "khoét núi, ngủ hầm" năm xưa; hay cảm nhận vẻ đẹp của Điện Biên hôm nay sau 60 năm giải phóng đang đón chào bè bạn gần xa với hình ảnh những cô gái Thái trong trang phục riêng biệt duyên dáng, dịu dàng làm say lòng du khách…

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho biết: "Khi phổ nhạc thì tôi cảm nhận, đó là những bài thơ có góc nhìn riêng của người lính về chiến tranh, về những được – mất và niềm khát khao hòa bình ẩn náu trong những thi tứ. Tôi phổ thơ theo xúc cảm từ lời thơ, nhịp thơ mang cũng gợi mở cho mình về tính chất và chất liệu âm nhạc, không bị điều gì chi phối. Khi mỗi bài hát hoàn thành, tôi thường gửi cho tác giả thơ xem lại bài hát để kiểm tra lại ca từ, xem lại phần thay đổi của mình có đạt được ý tứ của bài thơ của tác giả hay không. Tôi nghĩ, ở từng bài thơ, mỗi nhà thơ đã rất cẩn trọng trong ngữ nghĩa, và trau chuốt kỹ lưỡng vì thế mà những thay đổi (nếu có) chỉ nhằm làm nổi bật chủ đề của bài hát, phù hợp với những lời thơ được chọn phổ nhạc". 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác