Khôi Minh: “Tôi viết ca khúc như một người điếc không sợ súng“

(VOV5) - Album mang tên “Mẹ Trái đất”, với chủ đề tình yêu thương con người, thiên nhiên cũng như hướng con người trở về với bản thể đích thực.

Khôi Minh là nghệ danh của nhà báo Mạnh Hà, phóng viên báo Tiền Phong, khi anh đứng trên sân khấu và hát để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình.
Đúng dịp kỉ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Khôi Minh giới thiệu một album mini gồm 5 ca khúc, trong đó có 3 sáng tác đầu tay của anh, cùng với “Hôm nay tôi nghe” của NS Trịnh Công Sơn và “Lời tình ta hy vọng” của NS Đỗ Bảo. Album mang tên “Mẹ Trái đất”, với chủ đề tình yêu thương con người, thiên nhiên cũng như hướng con người trở về với bản thể đích thực.

BTV Bảo Trang trò chuyện cùng Khôi Minh về sản phẩm âm nhạc độc đáo này.

Khôi Minh: “Tôi viết ca khúc như một người điếc không sợ súng“ - ảnh 1Nhà báo, ca sĩ Khôi Minh
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
"Album mini của Khôi Minh gồm 5 bài hát. Trong đó có 3 sáng tác của Khôi Minh là Mẹ trái đất, Sự tích Chúa, và Mây bất tử. Bên cạnh đó là bài Hôm nay tôi nghe của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một sáng tác mới Lời tình ta hy vọng của nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Bài hát mang tính gợi mở đầu tiên là Sự tích Chúa. Tôi đã viết trong giai đoạn cách ly, đầu tiên là một bài thơ và sau đó tôi phổ nhạc. Tiếp đến, bài Mẹ trái đất là đề tài môi trường. Hiện nay toàn cầu đang nóng lên, chủ yếu là do những hoạt động thái quá của con người và đã đến lúc chúng ta phải rung hồi chuông báo động trước những hành động đó. Còn bài Mây bất tử, ý tưởng đế với tôi là sau sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi rất tâm đắc với lời dạy mà Thiền sư để lại - đó là một đám mây sẽ không bao giờ chết. Tôi đã triển khai ý tưởng đó thành một bài hát, nói lên một quy luật trong vũ trụ: mọi thứ theo mình quan sát thì đều có sinh có diệt, nhưng thực ra nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác thôi; và vòng đời của mây chính là sự ẩn dụ cho những gì đang tồn tại trong vũ trụ. Mọi thứ luôn có đường đi, luôn có những chu kỳ tiến hóa.
Hôm nay tôi nghe của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tôi đưa vào một album nhạc Trịnh chưa phát hành. Bài hát này lại có nội dung phù hợp với đại dịch, bởi theo tôi  nhạc Trịnh có phạm vi đề tài rất rộng. Trong đại dịch, chúng ta có nhiều băn khoăn lo âu, và có thể chọn nhiều bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nghe và giải tỏa được cảm xúc của mình.
Tiếp sau đó, nhạc sĩ Đỗ Bảo lại có ý muốn tặng cho tôi một bài hát, và tôi thấy bài hát đó có nhiều điểm chung với những bài kia. Ca khúc nói về tâm trạng của một người gặp phải vấn đề nào đó trong cuộc sống và đang thu mình lại. Nhạc sĩ viết bài này như là để an ủi với nhân vật đó, và nói với anh ta rằng cuộc đời ngoài kia vẫn có nhiều niềm vui đang đón đợi, miễn là anh chỉ cần mở cách cửa ra chứ không nên thu mình như vậy.
Tôi viết nhạc vì "điếc không sợ súng". Nếu là một người được đào tạo về âm nhạc chuyên nghiệp thì sẽ có những công thức ở trong đầu, còn tôi thì hát đúng những gì mà cảm xúc đưa tới, đúng với những gì mình muốn nói với mọi người"...
 
 
 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác