Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo

(VOV5) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Quyết định, việc thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo - ảnh 1Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Ảnh: dangcongsan.vn

Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ về môi trường, biển và hải đảo phục vụ quản lý nhà nước về môi trường, biển và hải đảo; thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ về môi trường, biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Đối thoại Biển lần thứ 11

Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Đối thoại có sự tham gia của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 50 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó gần 20 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia, nhiều đại diện đến từ các cơ quan đại diện tại Việt Nam, đại diện từ các Ban, Bộ, Ngành liên quan, chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo - ảnh 2

Đối thoại biển lần thứ 11 có sự tham gia của hơn 150 đại biểu, chuyên gia trên thế giới. Ảnh: VOV

Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ các quan điểm về hoạt động phức hợp và kinh nghiệm ứng phó với các hoạt động vùng xám từ góc độ thực tiễn các nước. Đối thoại Biển lần thứ 11 gồm 4 phiên với các chủ đề: Hoạt động phức hợp từ lý thuyết tới thực tiễn; Các khía cạnh phi quân sự của hoạt động phức hợp;  Công nghệ cao - Yếu tố kích hoạt chính của các hoạt động phức hợp; Các khuyến nghị chính sách và pháp lý nhằm quản lý hoạt động phức hợp.

Những thông tin được trình bày tại Đối thoại Biển lần thứ 11 giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu hơn về hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám qua đó có thể chủ động ứng phó và đề ra các quy tắc, luật lệ quản lý các hoạt động này.

Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 11 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại.

Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

Ngày 12/7, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống (12/7/2013 - 12/7/2023). Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Hải quân, dự và trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Lữ đoàn 167.

Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo - ảnh 3

Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên tặng Bức trướng truyền thống “Chính quy, tinh nhuệ, quyết chiến, quyết thắng” của Bộ Tư lệnh Hải quân cho Lữ đoàn 167. Ảnh: TTXVN

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, ngày 12/7/2013, Lữ đoàn Tàu pháo - Tên lửa 167 được thành lập thuộc Vùng 2 Hải quân. Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 167 đoàn kết, sáng tạo, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, huấn luyện tại khu vực quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và thềm lục địa phía Nam. Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167, cho biết: 10 năm đánh dấu một bước trưởng thành rất lớn của một đơn vị chiến đấu. Chúng tôi là người kế tục và phát huy xây dựng Lữ đoàn 167 càng ngày càng chính quy hơn, hiện đại hơn. Chỉ huy cùng với cán bộ, chiến sĩ, những thế hệ tiếp theo sẽ xây dựng lữ đoàn rõ nét hơn. Đó là độc lập, tác chiến cũng như tác chiến trong tình hình mới, chủ động hơn trong nắm, quản lý vùng biển và tham mưu đúng, trúng do Đảng ủy, chỉ huy các cấp như quân chủng để sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ.

10 năm xây dựng và phát triển, Lữ đoàn 167 vùng 2 Hải quân đã vinh dự nhiều lần được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2… tặng thưởng về các thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Hải quân Việt Nam cứu hộ tàu nước ngoài bị mắc cạn

Quân chủng Hải quân cử lực lượng tiếp cận, triển khai các phương án cứu hộ Tàu hàng Nemrut Bay, Quốc tịch Panama bị mắc cạn tại vùng biển Lagi, tỉnh Bình Thuận kịp thời ngày 10/7. Sau 3 ngày triển khai cứu hộ, ngày 13/7, đội tàu chuyên dụng của Công ty cổ phần Dịch vụ biển, thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân đã tiếp cận, triển khai, đã cứu hộ thành công tàu Nemrut Bay. Công tác cứu hộ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Lực lượng cứu hộ đưa đưa tàu hàng Nemrut Bay về cảng Vũng Tàu. 

Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo - ảnh 4Tàu Nemrut Bay được kéo ra khỏi vùng mắc cạn. Ảnh:  qdnd.vn

Tàu hàng Nemrut Bay trên đường hải trình từ Philippines tới cảng Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để trả hàng. Khi tàu đến khu vực ngoài khơi tỉnh Bình Thuận thì vướng phải khu vực san hô lẫn cát và đá vôi, dẫn đến mắc cạn tại bãi cạn Britto, cách cửa biển Lagi, tỉnh Bình Thuận khoảng 10 hải lý về hướng Đông Nam. Khi gặp nạn, trên tàu đang chở hơn 25.010 tấn thép. Khối lượng nhiên liệu trên tàu hiện còn hơn 850 tấn dầu, nếu không kịp thời cứu nạn, tàu có nguy cơ tràn dầu ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác