Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Kỳ họp thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Indonesia


(VOV5) - Ngày 24/04, tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương (JCBC-5) Việt Nam – Indonesia.

Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá hợp tác hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Trên cơ sở đó, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, sớm hoàn thành Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Kỳ họp thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Indonesia - ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương (JCBC-5) Việt Nam – Indonesia. Ảnh: TGVN

Về hợp tác kinh tế, thương mại, hai Bộ trưởng nhất trí mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Indonesia đạt 18 tỷ USD vào năm 2028 theo hướng cân bằng hơn; khuyến khích sớm tổ chức họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật để trao đổi về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng các tiềm năng hợp tác giữa hai nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, kinh tế số, xe điện và hợp tác Halal.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên biên giới; khuyến khích thúc đẩy kết nối hàng không, tăng cường hợp tác giáo dục, du lịch và giao lưu Nhân dân. Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí phối hợp duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Biển Đông, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác