Việt Nam - Bulgaria: Từ bạn bè truyền thống đến hợp tác thiết thực hơn

(VOV5) – Ngày 7/4 lễ đón chính thức Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski diễn ra trọng thể tại Hà Nội, mở đầu cho các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Plamen Oresharski. Chuyến thăm là dịp để hai nước thúc đẩy những chương trình, dự án cụ thể, đưa mối quan hệ  bạn bè bền vững trở nên hiệu quả và đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

 

Việt Nam - Bulgaria: Từ bạn bè truyền thống đến hợp tác thiết thực hơn - ảnh 1
Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Plamen Oresharski



Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (08/02/1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Việt Nam luôn ghi nhớ những giúp đỡ quý báu của Bulgaria dành cho Việt Nam về tinh thần lẫn vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Thời gian gần đây, trong chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước khu vực châu Á, Bulgaria đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam. Hợp tác chính trị giữa hai nước bạn bè từ hơn 64 năm qua luôn được quan tâm và duy trì ở mức cao, với nhiều chuyến thăm song phương lẫn nhau và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

 

Nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Bulgaria

 

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bulgaria Lê Đức Lưu, có 3 điểm tương đồng tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam và Bulgaria trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đại sứ Lê Đức Lưu cho biết: Trước hết, hai nước Việt Nam và Bulgaria đều có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam châu Á và Đông Nam châu Âu. Vị trí đó khiến Việt Nam có thể là cửa ngõ để Bulgaria thúc đẩy quan hệ với châu Á, còn Bulgaria cũng có thể tạo cửa ngõ để Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, đặc biệt các nước Balkan. Thứ hai, chính phủ hai nước trải qua lịch sử đều muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác và đều muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định để phát triển. Chính phủ của Bulgaria dù là trung hữu, trung tả hay hiện nay là kỹ trị, cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Thứ ba, hai nước đều có mong muốn chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đều mong muốn hòa bình ổn định để phát triển. Điểm thứ ba này rất quan trọng, giúp hai nước tin tưởng nhau hơn để thúc đẩy hợp tác.

 

Tuy nhiên, bên cạnh hợp tác chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế vẫn được xem là chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng. Trước thềm chuyến thăm Việt Nam lần này, trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Châu Âu, Thủ tướng Plamen Oresharski khẳng định Bulgaria rất trông chờ vào chuyến thăm Việt Nam lần này để đưa mối quan hệ song phương Việt Nam Bulgaria trở nên hiệu quả và thiết thực hơn và Việt Nam là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính phủ Bulgaria hiện nay. Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski cho biết:Tham gia đoàn của tôi có 3 Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng bộ văn hóa, Bộ trưởng bộ giao thông và Thứ trưởng kinh tế. Một số bộ trưởng sẽ ký kết các văn kiện quan trọng với các bộ tương ứng của Việt Nam. Tham gia đoàn còn có đại diện của rất nhiều doanh nghiệp Bulgaria quan tâm hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Phải nói rằng các doanh nghiệp Bulgaria rất quan tâm đến Việt Nam, thậm chí chúng tôi rất khó khăn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tháp tùng đoàn.Tôi hy vọng, chuyến thăm của tôi không chỉ nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ chính trị giữa hai nước mà còn góp phần hình thành quan hệ kinh tế mật thiết hơn giữa hai nước chúng ta.

 

Việt Nam - Bulgaria: Từ bạn bè truyền thống đến hợp tác thiết thực hơn - ảnh 2
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev trong cuộc hội đàm tháng 10/2013 tại Hà Nội



Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hiệu quả hơn

 

Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bulgaria đạt 70-80 triệu USD/năm. Hai nước đang tích cực nghiên cứu triển khai “Mô hình hợp tác kinh tế mới” trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mỗi nước.

 

Bulgaria có thế mạnh trong một số ngành như chế tạo, cung cấp và thiết kế hệ thống tưới và các sản phẩm kỹ thuật nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghiệp hóa chất, chế tạo máy, dược... Đáng chú ý, về du lịch, mỗi năm Bulgaria đón từ 8 đến 10 triệu khách du lịch. Bulgaria có thể giúp đào tạo nhiều cán bộ du lịch tiêu chuẩn châu Âu cho Việt Nam. Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam cũng có thể tận dụng hệ thống giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn châu Âu tại Bulgaria để gửi cán bộ sang đào tạo, hoặc thúc đẩy các chương trình du học sang Bulgaria.

 

Làm sao để mối quan hệ bạn bè truyền thống trở nên hiệu quả và thiết thực hơn là câu hỏi được lãnh đạo hai nước cùng đặt ra và nỗ lực tìm câu trả lời. Việc Thủ tướng Bulgaria thăm chính thức Việt Nam, thể hiện quyết tâm và mong muốn của hai nước tạo cú hích mới cho quan hệ hữu nghị bạn bè truyền thống./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác