Triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong bối cảnh mới

(VOV5) - Những tín hiệu khả quan ghi nhận được của một số khu vực và nền kinh tế lớn là động lực quan trọng để các nền kinh tế và doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trên cơ sở ghi nhận kết quả hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư tại các khu vực và nền kinh tế lớn của thế giới trong quý đầu tiên của năm nay, nhiều định chế tài chính, kinh tế quốc tế đã điều chỉnh dự báo và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như mỗi nền kinh tế thành viên. Nhận định chung là kinh tế thế giới đang có nhiều tín hiệu tốt, song vẫn đối mặt với không ít rủi ro và thách thức nghiêm trọng.

Triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong bối cảnh mới - ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần đầu tiên của tháng 4, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... đồng loạt công bố báo cáo cùng các dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo. Theo đó, cùng với việc ghi nhận những tín hiệu khả quan tại một số khu vực và nền kinh tế lớn, các định chế cũng như giới chuyên gia đồng thời cảnh báo rằng thách thức và rủi ro với kinh tế toàn cầu vẫn ở mức đáng lo ngại.       

Những tín hiệu khả quan của kinh tế thế giới

Ngày 4/4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo, trong đó nâng dự báo tăng trưởng năm nay của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực này, chủ yếu nhờ triển vọng từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19 và mở lại biên giới. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt 4,8% trong năm nay, cao hơn mức 4,6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 12 năm ngoái và mức thực tế đạt được của năm ngoái (4,2%). Trong đó, ADB dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay, cao hơn đáng kể mức 3% đạt được năm ngoái.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố một báo cáo, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực Mỹ Latinh và Caribe lên 1,4%, tăng 0,1% so với ước tính đưa ra hồi tháng 1 vừa qua. Các chuyên gia WB nhận định các nền kinh tế trong khu vực này đến nay đã phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ Latinh trong các năm 2024 và 2025 sẽ đạt mức 2,4%.

Còn tại châu Âu, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) là Đức được dự báo sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm nay, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong dự báo chung công bố ngày 5/4, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu nước này, gồm: Viện Ifo, Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz, Viện kinh tế thế giới Kiel và Viện nghiên cứu kinh tế RWI, cho rằng: nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng dương ở mức 0,3% trong năm nay. Với năm 2024, GDP của Đức được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại, ở mức 1,5%. Trước đó, trong dự báo hồi cuối năm ngoái, các nghiên cứu của các viện trên nhận định nền kinh tế Đức sẽ suy thoái ở mức âm 0,4% trong năm nay.

Triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong bối cảnh mới - ảnh 2Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia và định chế tài chính-kinh tế quốc tế, những tín hiệu khả quan ghi nhận được của một số khu vực và nền kinh tế lớn là động lực quan trọng để các nền kinh tế và doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu, làm tăng khả năng khôi phục tăng trưởng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo rủi ro và thách thức với đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn ở mức đáng lo ngại.

Tiếp tục thận trọng với các nguy cơ và thách thức

Theo báo cáo ngày 5/4 của WB, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi cận Sahara sẽ giảm xuống còn 3,1% trong năm nay, từ mức 3,6% của năm ngoái. Báo cáo của WB chỉ rõ: tăng trưởng trên toàn khu vực vẫn sẽ yếu, do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, hoạt động kém hiệu quả của các nền kinh tế lớn nhất châu lục, lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng đầu tư giảm mạnh. Trong khi đó với khu vực Mỹ Latinh và Caribe, WB cho rằng sự hội nhập của khu vực này vào nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ở mức rất thấp. Bên cạnh đó, khu vực này có nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Tương tự, trong báo cáo mới nhất, ADB cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát, dẫn tới các đợt tăng lãi suất mới, tác động bất lợi tới đà phục hồi và tăng trưởng toàn cầu.

Đáng chú ý, tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo dữ liệu công bố ngày 5/4 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục gia tăng trong tháng 2 vừa qua và là tháng thứ ba liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng do giá trị xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Thâm hụt thương mại kéo dài không chỉ là tín hiệu xấu với riêng nền kinh tế Mỹ, mà rộng hơn thế. Còn với nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, dù GDP được dự báo đạt mức tăng trưởng dương (0,3%) năm nay, song tỷ lệ lạm phát được nhận định vẫn ở mức cao, khoảng 6,0%, giảm không đáng kể so với mức 6,9% của năm ngoái. Thực tế này tạo áp lực lớn lên đà tăng trưởng do lãi suất buộc phải duy trì ở mức cao, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân.  

Trong bối cảnh đó, tại báo cáo công bố ngày 5/4, các chuyên gia tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo những căng thẳng địa chính trị gia tăng và hệ lụy là sự phân mảnh nền kinh tế toàn cầu sẽ càng làm gia tăng các rủi ro về ổn định tài chính, giảm đầu tư nước ngoài, giảm giá tài sản, các hệ thống thanh toán và năng lực cho vay của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp hạn chế về tài chính, bất ổn gia tăng và tình trạng thoái vốn nước ngoài do lo ngại gia tăng căng thẳng có thể kéo theo các nguy cơ đe dọa năng lực luân hồi nợ và làm tăng chi phí cho các ngân hàng. Dần dần, các ngân hàng sẽ giảm hoạt động cho vay dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế và tiếp tục gây ra thêm bất ổn tài chính. Để hạn chế nguy cơ, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tăng cường những cơ chế ứng phó với khủng hoảng bằng cách đảm bảo phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Các nền kinh tế cũng nên củng cố mạng lưới an toàn khu vực, thông qua các hệ thống đổi tiền hoặc các đường dây dự phòng tín dụng từ các thể chế quốc tế như IMF. Đồng thời, chủ động tăng cường dự phòng cho các khoản dự trữ ngoại hối, vốn và thanh khoản tại các thể chế tài chính.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác