Tiến trình hoà bình Trung Đông trước nguy cơ trở lại vạch xuất phát

(VOV5)- Cuộc đàm phán mới nhất diễn ra ngày 6/4, giữa Palestine và Israel nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình do Mỹ làm trung gian đã kết thúc mà không đạt được đột phá nào. Việc đàm phán thất bại lần thứ 2 trong vòng 1 tuần cùng với những hành động làm gia tăng căng thẳng của cả Israel và Palestine khiến khả năng đạt được  thỏa thuận khung vào ngày 29/4 trở nên xa vời.

 

Cuộc gặp ba bên ngày 6/4 chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ với sư tham dự của Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni, đặc phái viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Isaac Molcho, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat, Giám đốc tình báo Palestine Majd Freij cùng Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Martin Indyk.

 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông được khởi động từ tháng 7 năm ngoái với mục tiêu đạt được thỏa thuận khung chậm nhất vào ngày 29/4/2014. Tuy nhiên, các động thái căng thẳng gần đây giữa Israel và Palestine đã đẩy tiến trình này tới nguy cơ đổ vỡ.

Bất đồng sâu sắc

Thay vì kết quả tích cực thì  những gì dư luận được nghe lại là những lời chỉ trích lẫn nhau cùng những dự đoán bi quan. Một quan chức Palestine giấu tên cho biết khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Trong suốt cuộc gặp ngày 6/4, Israel vẫn đe dọa Palestine. Trong khi đó, phía Israel cảnh báo tiến trình hòa bình đang bên bờ vực sụp đổ. Israel chuẩn bị trở lại trạng thái quan hệ với Palestine như trước khi tiến trình đàm phán bắt đầu cách đây 9 tháng. Đây cũng là những gì mà dư luận được chứng kiến ở vòng đàm phán trước đó 1 tuần.

 

Nguyên nhân dẫn tới bế tắc hiện nay bắt nguồn từ việc Israel đưa ra điều kiện chỉ trả tự do đợt cuối cùng cho 26 tù nhân Palestine vào ngày 29/3 nếu Palestine đồng ý gia hạn thương thuyết sau thời hạn ngày 29/4 tới. Tuy nhiên Israel thừa hiểu đòi hỏi này phi lý vì thời hạn 29/4 đã được Israel, Palestine và Mỹ thống nhất từ tháng 7/2013. Và việc Israel đồng ý trả tù nhân là lý do chính khiến bấy lâu nay, Palestine trì hoãn tham gia nhiều hội nghị và tổ chức quốc tế.

 

Không chỉ ra yêu sách gia hạn thêm thời gian thương thuyết, Israel còn tuyên bố xây dựng 700 ngôi nhà mới tại ngoại ô Gilo ở Jerusalem.

 

Hành động của Israel như giọt nước làm tràn ly, khiến Palestine quyết định chính thức đệ đơn yêu cầu xin gia nhập 15 hiệp ước, công ước quốc tế với tư cách Nhà nước Palestine độc lập.

 

Dường như chỉ chờ có thế, ngay sau quyết định của Palestine, Israel cáo buộc Palestine vi phạm các thỏa thuận khi đơn phương xin gia nhập các tổ chức của Liên hợp quốc. Thậm chí phát biểu tại phiên họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn cảnh báo Israel sẽ thực hiện các biện pháp đơn phương chống lại Palestine. Ủy ban Quy hoạch và Xây dựng Jerusalem thì phê chuẩn kế hoạch xây dựng một bảo tàng và trung tâm tham quan gây tranh cãi ở khu vực Silwan của Palestine thuộc Đông Jerusalem. Song song với đó, Israel cũng đình chỉ các cuộc tiếp xúc cấp cao với Palestine và hạn chế chuyển giao thiết bị liên lạc cho Gaza.

 

Bất đồng giữa 2 bên càng nới rộng khi Palestine cũng đưa ra một danh sách dài những điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán như việc Israel công nhận chính thức việc thành lập Nhà nước Palestine dọc các đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, trả tự do cho 1.200 tù nhân Palestine, ngừng xây dựng khu định cư tại Đông Jerusalem và Bờ Tây, ngừng phong tỏa Dải Gaza…Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat còn đe dọa rằng Palestine sẽ truy tố Israel ra tòa án quốc tế về những tội ác chiến tranh, nếu căng thẳng leo thang.

Tiến trình hoà bình Trung Đông trước nguy cơ trở lại vạch xuất phát - ảnh 1
Vấn đề khu định cư Do Thái vẫn là rào cản đối với đàm phán hòa bình Israel-Palestine (Ảnh AP)


Bi quan giải pháp hoà bình

Trước thực tế không mấy sáng sủa trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng phải cảnh báo Mỹ có những giới hạn về thời gian và công sức dành cho tiến trình đàm phán, do đó Israel và Palestine cần phải kiềm chế trước khi quá muộn. Ông John Kerry cũng tỏ thái độ bất bình bằng việc huỷ chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước tới Jerusalem và Ramallah. Tuy nhiên, xét về tổng quan, đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi nào để cứu vãn đàm phán hoà bình Trung Đông, ngoài những lời tuyên bố.

 

Trong động thái mới nhất, ngày 7/4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của các ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) để thảo luận về cuộc khủng hoảng trong đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Ông Abbas dự kiến cũng sẽ yêu cầu AL ủng hộ Palestine về chính trị và tài chính.

 

Tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine được khởi động lại cách đây hơn 8 tháng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Nếu điều này xảy ra thì tiến trình hoà bình Trung Đông sẽ quay trở lại điểm xuất phát, điều này đồng nghĩa với cuộc xung đột kéo dài 66 năm giữa Palestine và Israel vẫn chưa thể có lời giải./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác