Tái khẳng định quan hệ đồng minh đối phó với các thách thức an ninh

(VOV5) - Tuyên bố chung Washington: Lần đầu tiên đề cập đến vấn đề năng lực răn đe hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang có chuyến thăm 6 ngày (từ 24/4) tới Washington, Mỹ và có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh ngày 26/4 tái khẳng định quan hệ liên minh sẽ ngày càng bền chặt, đánh dấu sự chuyển biến mới về chất trong quan hệ song phương Mỹ-Hàn.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ sau 12 năm và là lần thứ 6 Tổng thống Hàn Quốc và người đồng cấp Mỹ gặp nhau chỉ trong vòng một năm qua. Điều này cho thấy mối quan hệ gần gũi và nồng ấm giữa Seoul và Washington, đúng như lãnh đạo hai nước từng thừa nhận đây là “liên minh thành công nhất trong lịch sử và là một liên minh giá trị”.

Tái khẳng định quan hệ đồng minh đối phó với các thách thức an ninh - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Washington DC., ngày 26/4/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tuyên bố chung Washington: Lần đầu tiên đề cập đến vấn đề năng lực răn đe hạt nhân

Tuyên bố chung thông qua sau cuộc gặp thượng đỉnh nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Hàn, được khởi đầu từ quan hệ đối tác an ninh, hiện đã phát triển và mở rộng thành một liên minh toàn cầu, làm phong phú thêm hợp tác kinh tế và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Bên cạnh các cam kết tăng cường quan hệ song phương, như: hợp tác an ninh, quân sự, kinh tế, hỗ trợ đầu tư nước ngoài, giao lưu nhân dân, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…, lần đầu tiên, hai quốc gia đồng minh thảo luận về năng lực răn đe hạt nhân.

Theo đó, Tuyên bố Washington nhấn mạnh hai bên cam kết phát triển mối quan hệ hợp tác an ninh bền chặt theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Hàn. Hàn Quốc hoàn toàn tin tưởng vào các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ và công nhận tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của việc phụ thuộc lâu dài vào khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Washington cam kết sẽ tham vấn với Seoul về bất kỳ tình huống nào có khả năng phải sử dụng vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tái khẳng định cam kết lâu dài của Hàn Quốc đối với các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là nền tảng của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, cũng như đối với Thỏa thuận hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tái khẳng định quan hệ đồng minh đối phó với các thách thức an ninh - ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Washington DC., ngày 26/4/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cũng theo tuyên bố, hai bên cam kết tham gia vào quá trình ra quyết định mang tính hợp tác và sâu sắc hơn về răn đe hạt nhân, bao gồm thông qua tăng cường đối thoại và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng đối với Hàn Quốc và khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) mới để tăng cường khả năng răn đe mở rộng, thảo luận về kế hoạch chiến lược và hạt nhân, đồng thời quản lý mối đe dọa từ phía Triều Tiên đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Washington sẽ triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc để phô trương lực lượng (chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm như vậy kể từ những năm 1980). Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định rõ Mỹ không bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Thắng lợi lớn cho liên minh Mỹ-Hàn

Theo các chuyên gia, Tuyên bố Washington là một thắng lợi lớn cho liên minh Mỹ-Hàn, đặc biệt là cho Hàn Quốc, với việc lần đầu tiên Seoul thảo luận về năng lực răn đe hạt nhân với Washington. Hơn bao giờ hết, mối đe doạ của Bình Nhưỡng đối với Seoul ngày càng hiện hữu và cam kết của Mỹ trước một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân thời điểm này là rất cần thiết. Không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên, mối đe dọa này cũng đồng thời gây quan ngại cho Mỹ khi mà các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng giờ đây đã đủ khả năng tiếp cận lục địa Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước tuyên bố nước này chuẩn bị phóng vệ tinh do thám vào không gian và đang tăng cường thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới đây ở Hàn Quốc cho thấy gần 77% người dân Hàn Quốc cho rằng nước này cần sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần thể hiện mong muốn chủ động tham gia vào kế hoạch tăng cường khả năng răn đe mở rộng từ khâu lập kế hoạch tác chiến chung, chia sẻ thông tin và huấn luyện liên quan đến vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ chỉ cung cấp cho Hàn Quốc "chiếc ô hạt nhân" bằng các cam kết chung chung mà không chia sẻ việc sử dụng vũ khí hạt nhân với Hàn Quốc, đồng thời phản đối ý tưởng về việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân.

 Dù theo Tuyên bố, cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn kiên định theo đuổi đối thoại và ngoại giao với Bình Nhưỡng mà không có điều kiện tiên quyết, song Tuyên bố chung thượng đỉnh Mỹ-Hàn lần này, theo các chuyên gia nhận định, có thể gây nên những diễn biến căng thẳng mới, ảnh hưởng đến mục tiêu chung là thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác