Quốc hội Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp

(VOV5)- 70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp.

Quốc hội Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp - ảnh 1
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13


Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chức năng lập pháp, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kết quả công tác lập pháp của Quốc hội cũng góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. 


Lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội Việt Nam, bên cạnh chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội với vai trò là cơ quan thực hiện quyền lập pháp có vai trò xây dựng, ban hành Hiến pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp thành hệ thống các đạo luật, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cải cách các thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.


Ấn tượng về số lượng văn bản luật được ban hành 
70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp. Kể từ Quốc hội khoá I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung), 387 Bộ luật, luật, ban hành 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét: Đây là những con số ấn tượng, là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, thể hiện trí tuệ, sự tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm cao của những nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sự phát triển nền dân chủ XHCN, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. 


Xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu 
Bên cạnh những đổi mới cải tiến nhằm tăng số lượng văn bản luật được thông qua tại mỗi kỳ họp, trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng lập pháp. Nội dung các dự án luật được thông qua khá phong phú, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đến việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế và công cụ  quản lý nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và đối ngoại. 


Kỹ thuật lập pháp cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm, hạn chế dần luật sau khi ban hành phải chờ đợi nghị định và thông tư mới đi vào cuộc sống.Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng: Về chất lượng được nâng lên rất nhiều, đặc biệt là luật đã phản ánh đòi hỏi thực tiễn cuộc sống, phù hợp với thực tiễn của đất nước, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại.  Vì thế nhìn chung các luật được ban hành đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của cuộc sống. Những lĩnh vực trước đây chưa có luật thì sau này đã có như trưng cầu dân ý hay luật về hội, quản lý và sử dụng tài sản công...


Đặc biệt gần đây, với việc ban hành Hiến pháp 2013, công tác lập pháp bước sang một trang mới với việc hình thành những nền tảng pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trên cơ sở đó, hoạt động lập pháp bao quát hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Giáo sư – Tiến sỹ Lê Minh Thông,Phó chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội, khẳng định: Quốc hội ban hành nhiều luật về tổ chức Bộ máy Nhà nước như luật tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức chính phủ, luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, luậ Tổ chức Tòa án nhân dân; Liên quan đến quyền con người, quyền công dân, tư tưởng tôn trọng quyền con người là tư tưởng xuyên suốt trong các luật điển hình như bộ luật Dân sự, tố tụng Dân sự, luật Hình sự, luật Tín ngưỡng tôn giáo, luật Trưng cầu ý dân...Ngoài ra các luật cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Công tác lập pháp của Quốc hội trong 70 năm qua đã thu được những thành quả quan trọng, không chỉ làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ hóa, đầy đủ hơn mà còn góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác